Du lịch xanh 02: Làm thế nào để tiếp cận khách đi du lịch xanh?

Du lịch xanh ngày càng thu hút nhưng chỉ 10% khách chọn dịch vụ bền vững. Để tiếp cận thị trường này, doanh nghiệp cần chứng nhận xanh và chiến lược tiếp cận phân khúc khách hàng hiệu quả.

Sang Bui
Sang Bui
fb share
copy link

Có 10% khách đi du lịch xanh lựa chọn dịch vụ này được dán nhãn bền vững

Trong bài viết “Chân dung du khách thực hành du lịch xanh”, Tác giả Sang Bùi đã có những phác thảo sơ nét về chân dung của nhóm khách đi du lịch xanh. Tác giả đã chỉ ra rằng, mặc dù du lịch xanh thu hút sự quan tâm lớn của du khách, nhưng đi từ nhận thức đến hành động là một khoảng cách rất lớn. Theo nghiên cứu của BCG “Steering Consumers to Greener Travel and Tourism Choices”, chỉ 10% du khách ưu tiên lựa chọn bền vững khi quyết định đặt dịch vụ du lịch và lữ hành với điều kiện những dịch vụ này được dán nhãn bền vững. 

Thực tế này đòi hỏi nhà cung cấp dịch vụ với mục tiêu phát triển du lịch xanh cần nỗ lực đạt được các chứng nhận bền vững như một chất xúc tác đến quá trình cân nhắc lựa chọn sản phẩm xanh của du khách. 

Dựa trên thứ tự ưu tiên về các yếu tố bền vững khi quyết định đặt dịch vụ, nghiên cứu của BCG đã phát họa rõ nét 3 phân khúc khách du lịch xanh.

Thông qua bảng mô tả 3 phân khúc khách hàng du lịch bền vững, có sự khác biệt nhất định giữa ba nhóm khách du lịch xanh về các đặc tính dịch vụ khi lựa chọn sản phẩm bền vững. Chỉ 10% du khách thuộc nhóm “Motivated” được khơi gợi động lực lựa chọn sản phẩm xanh có các tiêu chí liên quan đến bền vững như trách nhiệm với cộng đồng, sự an toàn, sức khỏe. Trong khi phần lớn 65% du khách ở nhóm “Not yet inspired” cân nhắc các đặc tính dịch vụ không liên quan đến sự bền vững như yếu tố giá trị trải nghiệm tương xứng với số tiền bỏ ra. Nắm bắt những sự khác biệt giữa các thuộc tính dịch vụ liên quan đến bền vững của 3 phân khúc, các nhà cung cấp dịch vụ cần điều chỉnh các tuyên bố bền vững dựa trên sự thật hay bằng chứng hữu hình (chứng nhận xanh) và  thiết kế các thông điệp truyền thông phù hợp với từng phân khúc trong việc nhấn mạnh các đặc trưng liên quan đến bền vững mà mỗi phân khúc ưu tiên.

Làm thế nào để tiếp cận thị trường khách đi du lịch xanh - Thiết lập và củng cố uy tín thương hiệu thông qua chứng nhận xanh

Trên thực tế du khách cảm thấy hoài nghi về những tuyên bố xanh thông qua các câu khẩu hiệu truyền thông và sản phẩm xanh mà thương hiệu cung cấp bởi sự thiếu hụt chứng nhận xanh từ các tổ chức uy tín. Chính sự hoài nghi này càng nới rộng khoảng cách giữa du khách thực sự có động cơ du lịch xanh và những hình ảnh về thương hiệu du lịch xanh mà họ nhận thức. Do đó, chứng nhận xanh được coi như một bằng chứng giúp doanh nghiệp chứng thực sản phẩm đạt tiêu chuẩn xanh, từ đó củng cố uy tín và thúc đẩy hành vi đặt dịch vụ của du khách. Chứng nhận xanh chính thức sẽ giảm thiểu khả năng cạnh tranh không lành mạnh và tăng tính hữu hình bằng một chứng nhận cụ thể. Điều này càng cần thiết khi sản phẩm dịch vụ du lịch vốn mang tính trải nghiệm và vô hình bởi du khách chỉ có thể “nhìn tận mắt và chạm tận tay” khi đặt chân đến điểm đến. 

Chứng nhận xanh được coi như một bằng chứng giúp doanh nghiệp chứng thực sản phẩm đạt tiêu chuẩn xanh, từ đó củng cố uy tín và thúc đẩy hành vi đặt dịch vụ của du khách.

Ngoài ra, khi được công nhận thương hiệu xanh và được cấp chứng nhận xanh, doanh nghiệp và khách sạn có thể giảm bớt sự hoài nghi của khách về sự đóng góp thực sự của họ đối với môi trường thông qua khoản đóng góp chi phí (từ lợi nhuận thu được của một sản phẩm dịch vụ xanh)  cho các hoạt động bảo vệ môi trường như trồng cây gây rừng. Cụ thể, doanh nghiệp và khách sạn có thể quảng bá nhãn dán xanh trong các sản phẩm tour/dịch vụ lưu trú, các hoạt động thực hành xanh trên website và các kênh truyền thông nhằm giúp du khách phân biệt giữa một thương hiệu du lịch xanh giá rẻ và một thương hiệu du lịch xanh đích thực có giá cao hơn. Sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các thương hiệu như vậy đã gây ra thiệt hại cho các thương hiệu và khách sạn xanh đích thực và khiến họ mất đi động lực trong việc ứng dụng thực hành xanh và có khả khiến họ từ bỏ mục tiêu trở thành thương hiệu xanh và bền vững.

Làm thế nào để tiếp cận thị trường khách đi du lịch xanh - Định hình sản phẩm dịch vụ chú trọng vào yếu tố bền vững

Việc định hình sản phẩm xanh cần có một chiến lược tiếp cận các phân khúc khách du lịch xanh một cách toàn diện và đảm bảo phù hợp với những thuộc tính bền vững của mỗi phân khúc. Đối với phân khúc khách chưa được truyền cảm hứng du lịch bền vững (Not Yet Inspired), chiến lược đòn bẩy sẽ là cách tiếp cận phù hợp bao gồm các hoạt động thiết lập những căn cứ đáng tin cậy thông qua chứng nhận xanh, cung cấp các thông tin về bền vững, khuyến khích hành vi giảm thiểu tiêu thụ của du khách. Trong đó, hoạt động khuyến khích du khách giảm thiểu tiêu thụ như đóng gói hành lý vừa đủ khi du lịch, hạn chế sử dụng chai nhựa, tái sử dụng khăn tắm,…nhưng vẫn đảm bảo các trải nghiệm thoải mái và tiện nghi đầy đủ là điểm khởi đầu lý tưởng cho các công ty du lịch/lữ hành có mục tiêu phát triển du lịch xanh. Các khách sạn có thể giảm tải tần suất dọn dẹp phòng mỗi ngày và cho du khách biết rằng việc làm này không chỉ tiết kiệm tài nguyên điện, nước mà còn giảm thiểu sự gián đoạn, làm phiền du khách trong thời gian họ lưu trú tại khách sạn. 

Việc định hình sản phẩm xanh cần có một chiến lược tiếp cận các phân khúc khách du lịch xanh một cách toàn diện và đảm bảo phù hợp với những thuộc tính bền vững của mỗi phân khúc.

Chiến lược tạo sự khác biệt cho các sản phẩm sẽ thu hút những người có động lực du lịch bền vững hoặc bị ảnh hưởng bởi tính bền vững (Motivated và Influenced). Doanh nghiệp du lịch/lữ hành có thể thiết kế các sản phẩm du lịch xanh với các dịch vụ như cơ cở lưu trú thân thiện với môi trường, các hoạt động tạo sự tác động tích cực đến môi trường và cộng đồng tại điểm đến như trồng cây gây rừng, thưởng thức ẩm thực với các thực phẩm hữu cơ có nguồn gốc từ địa phương, đạp xe, chèo thuyền khám phá thiên nhiên, hoạt động tìm hiểu văn hóa – lịch sử thông qua các chương trình biểu diễn nghệ thuật có sự tham gia của cộng đồng địa phương… Điều cần lưu tâm đối với việc thiết kế sản phẩm du lịch xanh là tiêu chí thân thiện với môi trường và nhấn mạnh vào những tác động tích cực của các hoạt động đến môi trường nhằm truyền cảm hứng, khơi gợi và duy trì nhận thức về vảo vệ môi trường đối với tất cả phân khúc khách đi du lịch xanh.

Làm thế nào để tiếp cận thị trường khách đi du lịch xanh - Marketing sản phẩm du lịch xanh cần phù hợp từng phân khúc

Sự phân hóa của 3 phân khúc khách du lịch xanh với những mối quan tâm về đặc tính bền vững khác nhau đòi hỏi doanh nghiệp du lịch/lữ hành cần có những hoạt động marketing phù hợp với nhu cầu của mỗi phân khúc. Để đảm bảo các thông điệp phản ánh đúng những hình ảnh bền vững trong tâm trí của du khách, các thương hiệu cần triển khai ba hoạt động marketing xuyên suốt như sau: Đưa ra các tuyên bố và cam kết bền vững, nhấn mạnh các đặc tính liên quan đến bền vững trong các thông điệp truyền thông, và triển khai các chương trình xanh.  

Bước khởi đầu chiến lược marketing là tuyên bố các giá trị bền vững và cần điều chỉnh các tuyên bố này cho phù hợp với thị hiếu của từng phân khúc khách hàng dựa trên các yếu tố về thị trường (khách nội địa, khách nước ngoài) và nhân khẩu học (độ tuổi, giới tính,…).Tuyên bố của các công ty có thể bao gồm nhiều chủ đề khác nhau, bao gồm nhiên liệu và khí thải từ các phương tiện vận chuyển, bao bì sử dụng có thể được tái chế hoặc tái sử dụng nhiều lần, nguồn gốc thực phẩm sử dụng trong chương trình tour, hay các hoạt động trang bị thùng phân loại rác tại văn phòng giao dịch và môi trường làm việc của doanh nghiệp. 

Doanh nghiệp cần đưa ra các tuyên bố và cam kết bền vững, nhấn mạnh các đặc tính liên quan đến bền vững trong các thông điệp truyền thông và triển khai các chương trình xanh.

Khi đã tạo dựng được những cam kết giá trị bền vững thông qua các tuyên bố, doanh nghiệp cần chú trọng đến việc nhấn mạnh các thuộc tính liên quan đến bền vững để mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng (đặc biệt hai phân nhóm Influenced và Not yet Inspired). Ví dụ: Nhóm “Moivated” lựa chọn sản phầm xanh do được thúc đẩy bởi thuộc tính bền vững. Đối với nhóm này, thông điệp truyền thông cần nêu bật những tác động tích cực của các lựa chọn xanh đến các khía cạnh đo lường sự bền vững của điểm đến thông qua các chỉ số đo lường cụ thể (ví dụ lượng phát thải khí CO2,..). Đối với nhóm “Influenced” được tạo động lực bởi các đặc tính liên quan đến bền vững gồm: tìm kiếm các sản phẩm đảm bảo vệ sinh, an toàn và có trách nhiệm với xã hội. Các thông điệp truyền thông tiếp cận phân khúc này cần truyền tải như dịch vụ ăn uống với các thực phẩm có nguồn gốc từ địa phương, được nuôi trồng và chăm sóc bằng phương pháp hữu cơ và được chế biến theo mô hình “từ nông trại đến bàn ăn – farm to table”. Và việc trải nghiệm ẩm thực địa phương này sẽ góp phần cải thiện đời sống kinh tế của người dân địa phương cũng như tạo cơ hội để họ có thể gặp gỡ va giao lưu văn hóa với đa dạng du khách, từ đó nâng cao đời sống tinh thần và văn hóa của người bản địa. 

Thông điệp truyền thông cần nêu bật những tác động tích cực của các lựa chọn xanh đến các khía cạnh đo lường sự bền vững của điểm đến.

Một trong những thách thức hàng đầu mà các nhà cung cấp dịch vụ thực hành xanh là sự thay đổi nhận thức của du khách. Khách hàng thay đổi nhận thức của họ do những niềm tin cá nhân trong việc trở nên trách nhiệm hơn với môi trường. Nhận thức mới này dẫn đến sự thay đổi về hành vi và dần trở thành một lối sống mới. Để giúp lan tỏa tinh thần xanh hóa lối sống và môi trường trong cuộc sống và hoạt động du lịch, các thương hiệu du lịch và khách sạn có thể triển khai các hoạt động xanh và chương trình xanh. Ví dụ, khách sạn có thể tăng thời gian sử dụng của mỗi vật phẩm trong các khách sạn để giảm thiểu lượng chất thải rắn, hoặc chương trình xanh gửi tặng một bữa ăn miễn phí dành cho du khách nếu họ không sử dụng khăn tắm hoặc tái sử dụng khăn tắm, hoặc tham gia đạp xe trong phòng gym để tạo ra nguồn điện năng khi lưu trú tại khách sạn. 

Việc trồng cây gây rừng nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ người dân và du khách, đặc biệt là các bạn trẻ.

Doanh nghiệp du lịch/lữ hành có thể khuyến khích khách hàng tham gia chương trình quyên góp cây xanh khi mua tour bằng việc trích một phần lợi nhuận từ một tour, hoặc sử dụng điểm tích lũy từ chương trình Thẻ thành viên du lịch xanh để quy đổi thành phiếu mua hàng giảm giá hoặc quyên góp cho các mục đích bền vững. Ngoài ra, việc thu thập những ý kiến và đánh giá của du khách về sự hài lòng đối với các sản phẩm bền vững, mức độ giới thiệu sản phẩm xanh đến người thân/bạn bè của du khách đã trải nghiệm cũng cần được chú trọng nhằm giúp nhà cung cấp dịch vụ cải thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm xanh và đánh giá mức độ trung thành của du khách đối với thương hiệu thực hành bền vững.

Tóm lại là,

Du lịch xanh đã trở thành mối quan tâm hàng đầu đối với du khách khi họ ngày càng nâng cao nhận thức về các tác động tích cực thông qua hoạt động du lịch đến môi trường và cộng đồng địa phương. Việc đón đầu và khai thác thị trường khách du lịch xanh đòi hỏi các nhà cung cấp dịch vụ như khách sạn, doanh nghiệp du lịch/lữ hành cần thấu hiểu rõ nét chân dung khách du lịch, định hình sản phẩm du lịch xanh dựa trên tiêu chí thân thiện với môi trường và quảng bá các sản phẩm du lịch xanh gắn liền với các thuộc tính bền vững. Tuy nhiên, việc thực hành và phát triển du lịch xanh cần có sự chung tay chặt chẽ của du khách và nhà cung cấp dịch vụ (một bên trực tiếp thực hành xanh và một bên trực tiếp sử dụng các dịch vụ xanh) vì sự phát triển bền vững về lâu dài thay vì chỉ là một trào lưu nhất thời.

fb share
copy link

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH



Tin tứcĐiểm đếnLưu trúẨm thựcHàng không & Công nghệ