Lô Lô Chải và Séo Lủng, 2 ngôi làng cuối cùng ở địa đầu cực Bắc
Lô Lô Chải và Séo Lủng, hai ngôi làng cuối cùng ở biên giới cực Bắc của Việt Nam, là nơi sinh sống của người Lô Lô và H’Mông. Tại đây, du khách có cơ hội khám phá văn hóa bản địa, ngắm nhìn những ngôi nhà cổ xưa và chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp.
Không phải trung tâm Đồng Văn với nhiều tiện ích, chúng tôi quyết định đi sâu vào vùng biên giới phía Bắc hẻo lánh còn nhiều thiếu thốn, nghỉ lại 2 đêm tại làng Lô Lô Chải và Séo Lủng ở để có thể hiểu sâu sắc hơn về cuộc sống con người ở vùng địa đầu Tổ quốc.
Lô Lô Chải và Séo Lủng là hai thôn nhỏ thuộc xã Lũng Cú, nằm ngay dưới chân cột cờ Lũng Cú. Nơi đây những gia đình người Lô Lô, người H’Mông sinh sống và bám rễ từ nhiều thập kỷ. Thôn Lô Lô có 119 hộ với hơn 540 nhân khẩu, là một trong những dân tộc rất ít người ở Việt Nam. Khác hẳn Lô Lô Chải, làng Séo Lủng lại không khai thác du lịch. Đây là ngôi làng cuối cùng nơi địa đầu Tổ quốc mà không phải ai cũng có cơ hội đặt chân tới. Chiến tranh biên giới năm 1979, 43 hộ Hmong của Làng Séo Lủng đã kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền để không bị sáp nhập vào Trung Quốc. Ngày nay, họ vẫn giữ những tập tục từ ngày xưa, sống đơn giản, thuần khiết. Những ngôi nhà của làng Séo Lủng mang hơi hướng giao thoa văn hoá phía Bắc với tường đá và ngói nung.
Lựa chọn ở lại Lũng Cú khiến chúng tôi khá vất vả trong việc di chuyển. Từ trung tâm thành phố về Lũng Cú mất tầm 1 tiếng chạy xe với đoạn đường khoảng 40 cây số. Chúng tôi mỗi ngày chạy vào chạy ra đến mấy bận. Đường càng vào sâu trong thôn thì càng nhiều sương mù và trơn trượt, lại thêm những khúc cua và con dốc cứ bất ngờ xuất hiện.
Chúng tôi ở lại trong ngôi nhà cổ của người Lô Lô. Hầu hết người dân ở đây đã chuyển sang ở nhà xi măng hiện đại, còn những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi thì họ “nhường" lại cho khách như một cách để khai thác du lịch. Những ngôi nhà trình tường đất kín 3 mặt, cổng và tường rào bằng đá xếp chồng lên nhau thủ công, phía trước treo lủng lẳng những trái ngô và ớt khô, mái nhà lợp ngói máng bám rêu phong, … cho thấy kỹ thuật làm nhà thô sơ nhưng không kém phần chắc chắn của người dân vùng cao nguyên đá. Chỉ với những nguyên liệu đồng ruộng như đất sét, đất thịt nhưng lại tạo ra một không gian sống, mát mẻ vào mùa hè và ấm áp về mùa đông.
Những ngày cuối thu, khí trời se lạnh, những luống cải vàng rực rỡ, những cánh đồng hoa tam giác mạch bung nở khắp nơi trên thôn bản. Không cần phải đi đâu xa, chỉ đi bộ dạo quanh thôn, chúng tôi đã được chiêm ngưỡng bữa tiệc hoa no mắt. Những đứa trẻ trong làng đi học về thấy chúng tôi đứng chụp ảnh thì cười khoái chí.
Hôm ấy, vì mải mê theo chân của các em nhỏ trong thôn đi ngắm hoa, chúng vô tình khám phá ra được một địa điểm yên bình, thơ mộng như tranh. Một ngôi nhà cổ, ngoài cổng hai cây mận sum suê trái, một vườn hoa cải vàng nở đầy trước sân. Hoàng hôn buông xuống, ngôi nhà thắp lên những chiếc đèn lồng mang hơi hướng Trung Hoa lung linh, ấm áp. Một khung cảnh rất thơ và rất tình!
Người bản địa đãi chúng tôi món lẩu gà đen và thịt lợn treo gác bếp, đặc sản của của thôn bản ăn cùng các loại rau được trồng trong chính khu vườn của họ. Đây đều là món ăn đặc trưng của người H'Mông ở Hà Giang.
Toáng Khuyên, anh chàng bản địa làm du lịch tại Lô Lô Chải, nhiệt tình dẫn chúng tôi đi tìm hiểu văn hoá và các địa điểm đẹp trong làng. Cũng nhờ anh mà chúng tôi biết được làng Séo Lủng và chạm tay đến cột mốc cực bắc của Tổ quốc. Lúc tôi đến điểm cực bắc thì có một đoàn khách Tây nữa và lác đác vài khách Việt, ở đây có vẻ không mấy người ghé đến. Một khung cảnh hoàn toàn khác so với cột cờ Lũng Cú, nơi mà có quá đông người chen chân.
“Trước dịch Covid, hầu như các thanh niên trong làng đều sang bên kia biên giới để làm việc. Sau khi dịch bệnh bùng nổ, Trung Quốc đã xây dựng một tường dây thép gai bao quanh khu vực biên giới giữa Hà Giang và Trung Quốc. Mỗi khu vực trên hàng rào thép gai đều có camera theo dõi để ngăn cản người vượt biên”.
Tận mắt chứng kiến hàng rào thép gai bọc hết mấy quả đồi, mấy ngọn núi nơi biên giới mới thấy tiềm lực của Trung Quốc mạnh đến thế nào!
Toáng Khuyên mời chúng tôi ghé homestay của nhà anh ấy chơi. Anh rất tự hào vì homestay của mình có chiếc “view” đỉnh nhất làng, từ sân nhà có thể nhìn thấy cả cột cờ Lũng Cú. Trong sân anh trồng một cây chanh Mỹ vàng, rót chén trà, anh kể cho chúng tôi nghe những tập tục độc đáo ở Lô Lô Chải, anh còn tiếc rằng nếu mà chúng tôi đến trễ hơn 1 tuần thì có thể chiêm ngưỡng được cả Lễ mừng lúa độc lạ của người đồng bào Lô Lô.
Những ngày ở đây tôi giống như đang ở trong bộ phim về cuộc sống ở một vùng quê, nơi con người quây quần làm du lịch, sống chân chất, tình cảm với nụ cười thật trong sáng. Chúng tôi ở cùng người dân, quan sát cuộc sống và trò chuyện cùng họ.