Thử thách gác kèo ong ở rừng tràm U Minh Hạ nơi đất mũi Cà Mau

Vào những ngày nắng chói chang, trong những khu rừng tràm ở Vườn Quốc gia U Minh Hạ nơi đất mũi Cà Mau, hương hoa tràm nở rộ thu hút từng đàn ong tập trung về làm tổ, tạo nên món đặc sản mật ong hoa tràm nổi tiếng. Nhưng thay vì ăn mật ong đóng chai, bạn có thể trải nghiệm đi gác kèo ong ở rừng U Minh Hạ cùng thợ ong vào rừng để lấy mật, ăn ong trực tiếp.

Hieu Nguyen Tran
Hieu Nguyen Tran
fb share
copy link
Thử thách gác kèo ong ở rừng tràm U Minh Hạ nơi đất mũi Cà Mau
Ảnh: Hiếu Nguyễn Trần

Tìm hiểu về nghề “gác kèo ong” ở rừng U Minh Hạ

Với diện tích trên 8.000 ha, Vườn Quốc gia U Minh Hạ nằm ở huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời, Cà Mau là một trong 3 vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau, có hệ sinh thái đa dạng và động thực vật phong phú.

Từ xưa đến nay, VQG U Minh Hạ gắn liền với nghề gác kèo ong - nghề truyền thống đặc trưng của những hộ dân sống dưới tán rừng tràm. Năm 2020, nghề gác kèo ong đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Thử thách gác kèo ong ở rừng tràm U Minh Hạ nơi đất mũi Cà Mau
Ảnh: Hiếu Nguyễn Trần

Giữa tháng 11 âm lịch, trước khi những cơn mưa muộn cuối mùa trút xuống, người thợ ong sẽ đi vào rừng tìm chỗ gác kèo để “xây nhà”, đón hướng ong về làm tổ. Kèo gác là một nhánh cây tràm dài khoảng 2 - 3m, được dựng ở nơi kín đáo, tránh hướng gió để không ảnh hưởng đến tổ ong nhưng vẫn phải có đủ ánh nắng mặt trời.

Đến khoảng tháng 3, tháng 4 âm lịch, những chùm hoa tràm nhỏ màu trắng bạc lác đác trổ bông trên ngọn cây. Hương hoa thơm dìu dịu theo gió bay đi, kéo từng đàn ong rừng về hút mật, làm tổ.

Thử thách gác kèo ong ở rừng tràm U Minh Hạ nơi đất mũi Cà Mau
Ảnh: Hiếu Nguyễn Trần

Chỉ sau khoảng nửa tháng ong làm tổ đã có thể thu hoạch mật ong lần đầu tiên, người địa phương thường gọi là đi “ăn ong”. Một tổ ong một năm thu hoạch được 6 lần, mỗi lần từ 3 - 4 lít mật. Mật ong thu hoạch từ mùa này (mùa nắng) được xem là thứ mật tốt và giá trị nhất.

Gác kèo ong ở rừng U Minh Hạ cùng người dân bản địa

Thời tiết tại U Minh Hạ được chia thành 2 mùa rõ rệt là mùa khô và mùa mưa. Mùa khô bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào tháng 10, mùa mưa kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Du khách có thể tham quan Vườn Quốc gia này vào mọi thời điểm trong năm, nhưng để trải nghiệm đi “ăn ong", bạn nên đến vào thời điểm từ cuối tháng 5 đến tháng 8 âm lịch hoặc từ tháng 10 đến tháng 3 âm lịch.

Thử thách gác kèo ong ở rừng tràm U Minh Hạ nơi đất mũi Cà Mau
Ảnh: Hiếu Nguyễn Trần

Để đến được khu rừng tràm nơi ong làm tổ, bạn có thể trekking theo lối đường mòn trong rừng hoặc ngồi lên những chiếc vỏ lãi luồn lách qua những kênh, rạch. Vỏ lãi hay còn gọi là tắc ráng là một loại thuyền máy nhỏ, dài hình thoi, gắn thêm máy ở đuôi. Đây là phương tiện di chuyển phổ biến ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ và vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là vào mùa nước nổi.

Thử thách gác kèo ong ở rừng tràm U Minh Hạ nơi đất mũi Cà Mau
Ảnh: Hiếu Nguyễn Trần

Trước khi đến gần khu vực ong làm tổ, bạn sẽ được phát một chiếc lưới trùm đầu. Riêng người thợ cầm thêm đuốc con cúi bằng xơ dừa, thùng nhựa và dao để hỗ trợ việc lấy mật dễ dàng hơn.

Thử thách gác kèo ong ở rừng tràm U Minh Hạ nơi đất mũi Cà Mau
Ảnh: Hiếu Nguyễn Trần

Lối vào tổ ong khá nhỏ, cả chiều rộng và chiều cao đều chỉ khoảng 1m. Trên chiếc kèo gác, đàn ong bu kín tổ mật không chừa một khoảng hở. Nếu không có ánh sáng mặt trời rọi từ trên xuống, bạn khó có thể nhận ra mảng màu đen này là tổ ong, nơi tạo ra những dòng mật ngọt.

Thử thách gác kèo ong ở rừng tràm U Minh Hạ nơi đất mũi Cà Mau
Ảnh: Hiếu Nguyễn Trần

Công đoạn đầu tiên là gây mê để làm giảm độ “hung dữ” của đàn ong. Người thợ châm lửa đốt đuốc con cúi (bùi nhùi làm bằng xơ dừa) đặt vào xô rồi để vào trong tổ. Bị say khói, đàn ong ùa ra đúng nghĩa cụm từ “ong vỡ tổ”, đập cánh rì rì bao quanh chiếc lưới trùm đầu của người thợ.

Bạn nên tránh xa khoảng 2 - 3m để ong có khoảng hở bay ra ngoài. Trong trường hợp bị ong bám vào người, theo “bí kíp” của những người thợ hành nghề, bạn nên đứng im. Việc dùng tay xua đuổi được coi là tín hiệu “gây hấn”và khiến chúng tấn công dữ dội.

Thử thách gác kèo ong ở rừng tràm U Minh Hạ nơi đất mũi Cà Mau
Ảnh: Hiếu Nguyễn Trần

Khi ong tản ra hết, bạn có thể tiến lại gần quan sát tổ ong. Kích cỡ tổ và lượng mật thu được tùy thuộc vào lượng ong làm tổ và thời điểm đi “ăn ong”. 

Cây kèo ong làm tổ được hai người khiêng ra bãi cỏ gần nơi đỗ vỏ lãi để thưởng thức trực tiếp. Trên đường đi có thể vẫn còn những chú ong lưu luyến bám theo tổ mãi không rời.

Thử thách gác kèo ong ở rừng tràm U Minh Hạ nơi đất mũi Cà Mau
Ảnh: Hiếu Nguyễn Trần

Từng khoang hình lục giác bé xíu nằm xen kẽ trên mặt tổ như một cách sắp xếp hoàn hảo của tự nhiên. Viền tổ màu trắng, ngả vàng và chuyển nâu đậm dần về phía trung tâm do tập trung nhiều mật.

Thử thách gác kèo ong ở rừng tràm U Minh Hạ nơi đất mũi Cà Mau
Ảnh: Hiếu Nguyễn Trần

Dùng tay nhấn vào tổ ong, lớp mật vàng óng, sóng sánh chảy ra. Dưới cái nắng chói chang, lớp mật như sáng bừng lên.

Thử thách gác kèo ong ở rừng tràm U Minh Hạ nơi đất mũi Cà Mau
Ảnh: Hiếu Nguyễn Trần

Bẻ một miếng sáp ong nếm thử trực tiếp, vị ngọt và hương thơm của dòng mật vàng tấn công trực diện vào vị giác ngay từ miếng đầu tiên. Mật ong hoa tràm trong và vàng như nước cam, lỏng và có vị ngọt dịu hơn một chút so với các loại mật ong hoa nhãn, hoa bưởi đóng chai bày bán trên thị trường.

Thử thách gác kèo ong ở rừng tràm U Minh Hạ nơi đất mũi Cà Mau
Ảnh: Hiếu Nguyễn Trần

Tổ ong được mang lên vỏ lãi, đưa về sơ chế thành mật ong đóng chai. Mật ong rừng tràm U Minh Hạ đã được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau đăng ký độc quyền thương hiệu. Các bạn có thể mua một chai mật ong hoa tràm tại U Minh Hạ với giá dao động khoảng 500.000 đồng.

Thử thách gác kèo ong ở rừng tràm U Minh Hạ nơi đất mũi Cà Mau
Ảnh: Hiếu Nguyễn Trần

Đến U Minh Hạ, bạn không chỉ được ngồi vỏ lãi len lỏi qua những con rạch dưới tán rừng tràm nguyên sinh, nhìn bìm bịp, chim chao chảo, chim ròng rọc bay liệng trên trời mà còn được trải nghiệm và thưởng thức loại mật ong hảo hạng của mảnh đất nơi cuối cùng Tổ quốc.

fb share
copy link

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH



Tin tứcLưu trúẨm thựcHàng không & Công nghệGóc nhìn