Trải nghiệm tuyến metro đầu tiên ở TP HCM Bến Thành - Suối Tiên
Được phê duyệt từ năm 2007, tuyến tàu điện đầu tiên của TP HCM - Metro Bến Thành - Suối Tiên mất 12 năm thi công và chính thức vận hành vào ngày 22/12/2024, thu hút sự quan tâm đông đảo của truyền thông, người dân và du khách.
Metro Bến Thành - Suối Tiên có tổng chiều dài 19,7 km, kết nối trung tâm thành phố về cửa ngõ phía Đông với mục đích đáp ứng nhu cầu di chuyển nhanh của người dân, góp phần xây dựng môi trường giao thông công cộng bền vững và hiện đại, mang đến diện mạo mới cho hạ tầng, đô thị. Việc đưa vào khai thác tuyến tàu điện là mốc quan trọng trong lịch sử phát triển hệ thống giao thông công cộng của TP HCM.
Metro Bến Thành - Suối Tiên là dự án hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản với tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng. Toàn tuyến gồm 14 nhà ga, trong đó có 3 ga ngầm lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, nằm ở quận 1 và 11 ga trên cao, phần lớn dọc theo đại lộ Võ Nguyên Giáp - xa lộ Hà Nội (TP Thủ Đức).
Tất cả các ga có không gian rộng rãi, thoáng mát, sạch sẽ, bố trí nhiều bảng, biển chỉ dẫn điện tử, tích hợp các công nghệ hiện đại trong việc soát vé và kiểm soát an ninh. Dưới các ga trên cao có khu vực gửi xe máy, ôtô.
Metro Bến Thành - Suối Tiên có 17 đoàn tàu, mỗi tàu ba toa, sức chứa 930 khách (147 khách ngồi và 783 khách đứng). Giai đoạn đầu, bình quân mỗi ngày có 9 tàu vận hành, chạy từ 5h đến 22h với khoảng 200 chuyến. Tần suất giãn cách mỗi chuyến 8-12 phút; hành trình từ ga cuối Suối Tiên (gần Bến xe Miền Đông mới, Thủ Đức) đến Bến Thành, Quận 1, khoảng 30 phút. Thời gian tàu dừng ở mỗi ga trên tuyến chừng 30 giây.
Trên những chuyến tàu qua ga Bến Thành, Tân Cảng Thảo Điền, An Phú, Rạch Chiếc có nhiều điểm dừng chân ngắm cảnh thành phố từ trên cao lúc bình minh hay hoàng hôn. Tại ga ngầm Bến Thành có một giếng trời cao 6m, đường kính 21,6m lấy ánh sáng cho phía dưới, tạo điểm nhấn cho nhà ga khởi đầu của tuyến metro.
Du khách có thể dừng chân ngắm bình minh tại ga Tân Cảng, ga Rạch Chiếc hay check in tại lối đi bộ dẫn lên ga Thảo Điền.
Khung cảnh thành phố lúc lên đèn với các cao ốc chuyển màu hay bầu trời ửng hồng khi bắt đầu ngày mới cũng là khoảnh khắc du khách có thể canh chụp ngay khi đang ngồi trên tàu.
Trong tháng đầu vận hành, khách được miễn vé đi metro cùng với 17 tuyến buýt điện kết nối. Sau thời gian này, khách có thể chọn các loại vé lượt, một ngày, ba ngày và theo tháng. Trong đó, khách mua vé lượt nếu dùng tiền mặt sẽ trả 7.000 đồng đến 20.000 đồng, tùy cự ly. Nếu thanh toán không tiền mặt, vé lượt sẽ áp dụng 6.000-19.000 đồng.
Đối với vé tháng, mức giá áp dụng 300.000 đồng, học sinh, sinh viên được giảm 50%, còn 150.000 đồng. Ngoài các loại trên, khách có thể mua vé một ngày hoặc ba ngày, lần lượt 40.000 đồng và 90.000 đồng. Loại vé này không giới hạn lượt đi. Hành khách là người khuyết tật, cao tuổi... được miễn vé theo chính sách của TP HCM.
Dự kiến từ 10/1/2025, khách hàng có thể dùng thẻ Mastercard, Visa, JCB, American Express, Union Pay, Napas để đi tàu. Từ 20/1/2025, việc sử dụng thẻ căn cước công dân để đi tàu sẽ được áp dụng.
Mạng lưới metro TP HCM đang được nghiên cứu mở rộng lên với 10 tuyến, dài 510 km. Trong đó, giai đoạn từ nay đến năm 2035, thành phố đặt mục tiêu hoàn thành 7 tuyến với tổng chiều dài 355km, gồm nối dài Metro số 1 và các tuyến từ số 2 đến 7. Từ năm 2036 đến 2045, hệ thống metro tiếp tục được đầu tư thêm tuyến số 8, 9 và 10, đạt tổng chiều dài 510 km. Tổng mức đầu tư cho hai giai đoạn nêu trên ước tính khoảng 67 tỷ USD.