Ẩm thực nói gì về văn hoá Hàn Quốc
Một miếng kim chi đỏ au, chua, giòn sần sật. Một miếng ba chỉ heo bóng mọng, thơm nức mùi khói. Đã bao lâu rồi bạn chưa ăn lại một đồ Hàn? Còn tôi, tôi vừa trải nghiệm một tuần ẩm thực Hàn ngay trên đất Hàn.
Quốc gia yêu thích ăn uống
Trong vòng 6 ngày thăm thú và tận hưởng mùa lá vàng Hàn Quốc, không một ngày nào tôi nếm lại một món ăn đã từng ăn trước đó. Ẩm thực dường như là cách để người Hàn Quốc nói về đất nước của mình, về tính cách, thói quen, cách đối đãi những vị khách hay quan trọng hơn cả, đó chính là văn hoá của họ.
Họ tài tình trong việc “đóng gói” văn hoá ẩm thực và “xuất khẩu” nó đi gắp mọi nơi trên thế giới. Việt Nam là một trong số những quốc gia cởi mở đón nhận nét văn hoá ẩm thực này. Cách đây gần 1 thập kỷ, khi trào lưu Kpop du nhập vào Việt Nam, kéo theo đó là hàng loạt nhà hàng, quán ăn phong vị Hàn Quốc, giới trẻ Việt Nam khi đó dần quen thuộc với kimchi, mì tương đen hay rượu soju….
Hay trào lưu mukbang cũng xuất phát từ đất nước này, cho thấy rằng, người Hàn không chỉ yêu thích việc ăn uống mà còn rất tự hào khoe điều này ra với bạn bè thế giới. Nhưng để diễn tả sự cầu kỳ, tầng lớp ý nghĩa trong tập tục ăn uống của người Hàn, tôi sẽ chọn nói về banchan và một bàn cơm truyền thống đúng kiểu Hàn Quốc.
Tôi nhớ hôm đó là ngày thứ 3 trong lịch trình, chúng tôi di chuyển đến Gyeongju - một thành phố biển. Sau khi thăm thú những ngôi làng cổ, chúng tôi may mắn ghé qua một quán ăn địa phương, nơi còn phục vụ bữa ăn truyền thống Hàn Quốc và hầu như không có khách du lịch lui tới.
Nhà hàng có thiết kế mô phỏng nhà hanok với nhiều gian để các loại bàn thấp và cao tuỳ sở thích của thực khách. Tôi thiết nghĩ, một phần nhờ vào không gian này mà trải nghiệm ẩm thực của tôi tại đây thêm phần trọn vẹn. Bàn ăn được dọn ra đến tận 22 món với khẩu phần 4 người ăn và cho dù thực khách đi bao nhiêu người, một set ăn vẫn luôn là 22 món bao gồm 6 món khai vị, 15 món chính và 1 món tráng miệng. Đương nhiên, banchan vẫn luôn nằm trong số đó.
Đây là một bàn ăn truyền thống điển hình của người Hàn. Nếu quan sát tổng thể, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy màu sắc của các món ăn có đầy đủ tông nóng, lạnh, trắng đen. Điều này thể hiện sự bất di bất dịch trong nguyên tắc ăn uống của người dân xứ kimchi, đó chính là cân bằng ngũ hành - âm dương.
Âm dương - Ngũ hành trong ẩm thực Hàn Quốc
Trên thực tế, cân bằng âm dương - ngũ hành trong ẩm thực được áp dụng ở rất nhiều nước Á đông trong đó có cả Việt Nam. Y lý Đông phương khi xưa cho rằng, ngũ tạng của con người ứng với ngũ hành của Đạo giáo. Nếu cảm thấy không khỏe, tức là ngũ hành - âm dương trong cơ thể đang mất cân bằng. Việc lựa chọn thức ăn, đồ uống mang các hành tương ứng là cách giúp cho cơ thể của chúng ta luôn được khỏe mạnh, cường tráng.
6 món khai vị đầu tiên chủ yếu liên quan đến rau củ và đậu. Thực khách cũng có thể ăn trước món cháo trắng nấu vừa, không nêm gia vị để khởi đầu bữa ăn. Set ăn khai vị mang đến cảm giác thanh dịu, nhẹ nhàng để chuẩn bị cho phần ăn chính có đầy đủ thịt, cá, trứng. Các món chính tuy giàu đạm nhưng cũng được chế biến kèm với rau hoặc các cây gia vị. Banchan luôn là kim chi cải thảo, củ cải muối và nhiều loại kim chi khác mà bạn khó có thể tìm thấy ở Việt Nam.
Dễ dàng nhìn thấy các màu sắc tương ứng ngũ hành trong bàn cơm này, với Kim là sắc trắng của cơm, củ cải trắng, giá đỗ…; Mộc là xanh lục của rau cải...; Thuỷ là màu đen của nấm, mè…; Hoà là sắc đỏ của ớt, các loại rau củ có màu đỏ và cuối cùng là Kim với màu vàng của trứng, đậu… Chưa kể, các nguyên liệu mang tính hàn - nhiệt cũng được kết hợp tài tình với mục đích cân bằng âm - dương.
Một vài người bạn của tôi thắc mắc rằng, nếu gọi là cân bằng trong món ăn thì cũng không nhất thiết phải bày biện đầy ắp cả bàn như thế. Ví như chỉ trong 1 tô phở của Việt Nam cũng đã có thể gói gọn âm dương - ngũ hành trong đấy. Tôi lại nghĩ, tập quán ăn uống cũng phần nhiều nói lên tính chất địa lý, tài nguyên, tạng người và cả cách đối nhân xử thế của dân tộc đó.
Một bàn ăn truyền thống với nhiều đĩa ăn “hơn mức bình thường” phần nào thể hiện Hàn Quốc là một dân tộc trù phú về tài nguyên, họ cao to và cần phải phục thực thật nhiều để trải qua giai đoạn thời tiết khắc nghiệt của phía Bắc. Và một bàn ăn tràn đầy cũng thể hiện sự viên mãn của gia đình đó và hiếu khách, sẵn sàng mang đến những món ăn ngon nhất để chiêu đãi khách khứa của mình.
Là “ngôn ngữ” của xã hội Hàn Quốc
Thịt gogi nướng, gà rán nhắm với bia, những quán nhậu bình dân xuất hiện dày đặc trong các bộ phim Hàn Quốc những khi nhân vật tụ tập, hẹn hò. Sự thật đúng là như vậy. Rảo bước trên những khu phố ở quận Jongno (Seoul) hay Jung-gu (Busan) sẽ thấy hàng dài các quán nhậu lều đặt san sát nhau, luôn luôn tấp nập dù là trong tuần hay cuối tuần.
Điều khiến tôi ấn tượng nhất đó chính là một quán bán chả cá theo phong cách oden. Quán rộng tầm 15 mét vuông, giữa là một chiếc bàn dài lớn với 2 nồi nước lẩu. Trong 2 chiếc nồi đó là những xiên chả cá, sundae, tokbokki đang được giữ nóng. Mỗi lần, quán chỉ phục vụ tầm trên dưới 10 khách vì không đủ chỗ. Mọi người đến quán, không cần biết là quen hay không quen biết nhau đều sẽ ngồi lần lượt cạnh nhau trên chiếc bàn đó. Thậm chí có cả những cặp đôi cũng chọn những quán kiểu này để hẹn hò.
Có một sự thật bất ngờ rằng người Hàn ăn đồ nướng ngay cả vào bữa sáng. Không chỉ vậy, trong tuần sẽ có ít nhất 1 ngày, người Hàn tụ tập bạn bè, người thân đi ăn đồ nướng, thậm chí là đi một mình. Anh bạn người Hàn đã chia sẻ với tôi điều này khi chúng tôi trên đường đến chỗ ăn tối. Suốt đường đi, mùi thịt nướng từ các hàng quán 2 bên đường khiến cho chiếc bụng của tôi cứ réo mãi.
Những hàng quán này, tuy tấp nập nhưng trong tuần luôn đóng cửa sớm, bởi lẽ người dân sẽ về nhà sớm để chuẩn bị cho một ngày làm việc mới. Những con phố sau 9 giờ tối đều trở nên im lìm khác hẳn với trước đó vài tiếng. Người Hàn thích đi ăn bên ngoài vì họ sợ cô đơn. Họ ghét việc nấu nướng một mình trong căn phòng trọ chật hẹp mà đôi khi rất khó để mời khách đến nhà, nên họ chọn ăn ngoài, dù là đi một mình chăng nữa, cái không khí nhộn nhịp mới chính là cái họ cần hơn là những món ăn.