Cuộc sống dưới chân dãy Himalaya

Chợ Leh, Ladakh 5 giờ chiều trời vẫn còn sáng, những người bán hàng vỉa hè trong những bộ trang phục dày dặn ngồi hàng giờ ngoài trời dưới thời tiết khoảng chừng 10 độ C. Hai tháng nữa thôi khi mùa đông đến, tuyết bắt đầu rơi, chắc hẳn còn lạnh hơn nữa, có lẽ các chợ sẽ đóng cửa hết.

Chau Tran
Chau Tran
fb share
copy link

Một bó ngò giá 10 rupee (tầm khoảng 3.000 đồng), vì không có tiền lẻ nên chúng tôi đưa cho bà cụ bán hàng 20 rupee và bảo không cần trả tiền thừa lại. Nhưng bà cụ nhất quyết không nhận và gửi lại chúng tôi cho bằng được 10 rupee tiền thừa. Không chạy theo vật chất, con người ở dưới chân Hy Mã Lạp Sơn đều cảm thấy hài lòng với những gì mà cuộc sống đã ban tặng cho họ.

Cuộc sống dưới chân dãy Himalaya
Cuộc sống dưới chân dãy Himalaya

Rất khó để bạn có thể chọc giận người Ladakh. Họ điềm tĩnh và kiềm chế cảm xúc rất tốt. Có lẽ chính sự yên bình, sừng sững của Hy Mã Lạp Sơn đã tôi luyện đức tính này trong cốt cách của họ qua hàng nghìn năm. Họ là những người có nụ cười hiền lành và phúc hậu nhất mà tôi từng thấy.

Cuộc sống dưới chân dãy Himalaya
Cuộc sống dưới chân dãy Himalaya

Chính sách đánh thuế nhập khẩu hàng hoá khiến các mặt hàng mác ngoại ở Ấn Độ khá hiếm hoi. Những món đồ quá đỗi bình thường với chúng tôi lại là những món quà giá trị với những người bạn Ladakh. Chúng tôi gửi tặng họ những gói mì tôm, khô gà, mực rim hay tôm khô để làm quà. Từ lạ lẫm bỡ ngỡ, họ cất mang về cho gia đình cùng thưởng thức.

Với chiếc đầu tính toán rất nhanh, miệng luôn cười tươi, Norbu là người đồng hành cùng chúng tôi trong hành trình khám phá Ladakh. Ngồi trên chiếc vans một đoạn đường dài từ làng Turtuk về đến thung lũng Nubra, Norbu khoe với chúng tôi một người bạn là ca sĩ tự do. Ngoài việc khen anh ấy rất đẹp trai, Norbu cũng tự tin giới thiệu những video âm nhạc mà anh chàng này tự sản xuất. Norbu hỏi chúng tôi: “Có cách nào để cả thế giới biết đến anh ta không?”. Nhưng ở những nơi như Ladakh, nơi mà kết nối internet còn chưa phổ biến, cũng không có nhiều công ty quảng bá nghệ sĩ, sẽ rất khó để đưa ra một câu trả lời khiến họ hài lòng.

Cuộc sống dưới chân dãy Himalaya
Cuộc sống dưới chân dãy Himalaya

It's not an animals, it's our friends" (Nó không phải là một con vật, nó là bạn của chúng ta!), đây là câu nói của ông chủ tiệm quần áo khi thấy tôi cứ nơm nớp lo sợ với 3, 4 chú Ngao Tạng vây quanh. Cứ khoảng 10 giờ đêm, Ladakh trở nên vắng vẻ hơn, vì đây là khung giờ người dân thả Ngao Tạng ra đi dạo khắp thị trấn. Với kích thước đồ sộ, thông minh và đức tính trung thành tuyệt đối, loài chó này được xem bá chủ của thảo nguyên. Và chỉ có dưới chân dãy Hy Mã Lạp Sơn, con người mới có thể khắc chế và làm chúng phục tùng. Ở đây, ngoài việc được ngắm nhìn một trong những “độc thú" báu vật vùng Hy Mã Lạp Sơn, chúng ta còn thấy được cách mà người ta sống chan hoà và bầu bạn cùng những chú chó.

Cuộc sống dưới chân dãy Himalaya
Credit: @ernak-horde.com, @bankhar.org & Mongolian Bankhar Dog Project

Được xem là cái nôi của Phật giáo, chúng tôi bắt gặp những người từ Tây Ấn, Nam Ấn về đây hành hương. Đến Ladakh không biết bao nhiêu lần nhưng chắc hẳn lần nào cũng vẫn cho họ cảm giác về nhà. Vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, bạn đều có thể cảm thấy bình an và tự do khi ngắm nhìn những lá cờ Lungta bay phấp phới trong gió và lắng nghe tiếng kinh cầu chiêm nghiệm của các Lạt Ma.

Cuộc sống dưới chân dãy Himalaya

Sự khắc nghiệt, dữ dội của Hy Mã Lạp Sơn không cần tìm kiếm mà hiện hữu ngay trước mắt. Suốt chặng hành trình ngồi motor gần 10 ngày ở Ladakh, tôi cảm nhận được rõ sự khó nhọc của các công nhân cầu đường. Không có máy móc, các thanh niên khoẻ mạnh thay phiên nhau tay không dùng búa để đập vụn những tảng đá lớn trong khi những người lớn tuổi hơn thì trộn hồ và xi măng. Hiếm lắm mới thấy có 2 - 3 chiếc xe lu để là phẳng đường. Tình trạng thiếu thốn cơ sở vật chất buộc họ phải sử dụng sức người là chính. Dưới cái nắng ban ngày khủng khiếp ở độ cao hơn 3000 mét, người ta phải vừa làm vừa trùm trên mình những tấm khăn ướt để làm dịu đi sức nóng táp vào mặt.

Cuộc sống dưới chân dãy Himalaya
Cuộc sống dưới chân dãy Himalaya

Thị trấn Leh, thủ phủ của Ladakh khoác lên mình chiếc áo thu hút khách du lịch với những góc cafe cũ, những nhà hàng sạch sẽ phong cách Tây Âu và những ngôi đền nhiều màu sắc. Nhưng chỉ khi đi tận vào trong những con hẻm sâu mới thấy, phía sau lớp vỏ bọc nhộn nhịp kia là cuộc sống trong những khu nhà đổ nát, tồi tàn không khác gì những khu ổ chuột. Nếu không có chuyến đi đến tu viện Namgyal Tsemo, chắc hẳn hành trình Ladakh của tôi sẽ kết thúc chỉ toàn màu hồng và những điều xinh đẹp, dễ thương.

Chúng tôi theo Google maps để đi dạo và hành hương lên đến tu viện Namgyal Tsemo, một tu viện ở ngay trong lòng thủ phủ Leh. Không xa lắm nên chúng tôi quyết định cuốc bộ. Đoạn đường chỉ 500m nhưng chúng tôi mất đâu đó hơn 2 tiếng mới lên đến nơi. Một phần vì đường đi khá ngoằn ngoèo, một phần là vì những điều kinh ngạc mà chúng tôi nhìn thấy.

Cuộc sống dưới chân dãy Himalaya
Cuộc sống dưới chân dãy Himalaya
Cuộc sống dưới chân dãy Himalaya
Cuộc sống dưới chân dãy Himalaya
Cuộc sống dưới chân dãy Himalaya

Đó là đoạn đường tồi tàn và bẩn đến kinh khủng, mùi hôi thối và ẩm mốc bốc lên khắp nơi, phân của các loài động vật trải đầy đường, tưởng tượng bạn đặt chân xuống chỗ nào cũng sẽ dẫm phải. Không thể tin được ngay trung tâm Leh lại có những cảnh tượng như thế này! Chúng tôi lách người qua những con hẻm rộng chưa đến một mét tối om, ẩm thấp, nơi ánh sáng mặt trời không thể chiếu đến. Tôi có thể cảm nhận rõ rệt một Leh nghèo đói và thiếu thốn, lạc hậu phía trong chiếc áo thương mại và du lịch nhiều màu sắc.

Hình ảnh: Châu Trần & Vũ Xuân Sơn; @bankhar.org

fb share
copy link

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH



Tin tứcLưu trúẨm thựcHàng không & Công nghệGóc nhìn