Du lịch ngủ: Xu hướng nở rộ, động lực thúc đẩy và cách tiếp cận

Sự quan tâm ngày càng lớn của mỗi cá nhân về sức khỏe, bùng nổ của du lịch chăm sóc sức khỏe và tình trạng rối loạn giấc ngủ gia tăng đã thúc đẩy du lịch ngủ (sleep tourism) trở nên thịnh hành trong 2024. Thư giãn và tái tạo năng lượng được coi là hai mục đích chính thôi thúc nhiều người lựa chọn du lịch ngủ khi tận hưởng kỳ nghỉ tại khách sạn và khu nghỉ dưỡng.

Sang Bui
Sang Bui
fb share
copy link

Sự nở rộ của xu hướng du lịch ngủ

Cảm thấy mệt mỏi khi tham gia các chương trình du lịch với trình lịch tham quan dày đặc, du khách trên thế giới đã lựa chọn phương án thay thế bằng việc du lịch chỉ để ngủ. Việc ngã lưng trên chiếc giường thoải mái cùng với chiếc gối êm ấm trong một không gian yên tĩnh hòa lẫn cùng với ánh sáng dịu nhẹ tại phòng khách sạn đã trở thành một lựa chọn đầy lý tưởng đối với du khách. Du lịch ngủ càng tạo nên sức hút mạnh mẽ hơn đối với du khách mong muốn nghỉ ngơi và tái tạo năng lượng sau khoảng thời gian bộn bề với trăm công nghìn việc hoặc “đấu tranh” với chứng rối loạn giấc ngủ vốn được gây ra chủ yếu bởi áp lực công việc.

Du lịch ngủ: Xu hướng nở rộ, động lực thúc đẩy và cách tiếp cận
Sự quan tâm du lịch vì sức khỏe và tình trạng rối loạn giấc ngủ gia tăng đã thúc đẩy du lịch ngủ phát triển.

Loại hình du lịch ngủ đã thu hút sự quan tâm trải nghiệm của du khách và trở thành một trong những xu hướng du lịch nổi bật trong 2024. Theo Google Trend, lượng tìm kiếm thông tin về từ khóa “sleep tourism” trên toàn cầu có xu hướng bùng nổ mạnh mẽ kể từ sau đại dịch vào năm 2022. Kết quả phân tích mức độ tìm kiếm trung bình từ khóa này cũng cho thấy có sự gia tăng đáng kể về sự quan tâm đối với du lịch ngủ trong giai đoạn 2019 – 2023, so với mức tăng từ 21 lên tới 38 trên thang đo từ 0 – 100. Kết quả này cho thấy du lịch ngủ đang trở thành một trong những xu hướng du lịch được quan tâm trên toàn cầu và chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt” tới thời điển hiện tại. Điểm đáng chú ý Việt Nam nằm trong danh sách 10 quốc gia trên thế giới có lượng tìm kiếm cao nhất về từ khóa “sleep tourism”, và mối quan tâm du lịch ngủ của khách Việt đã tăng mạnh từ năm 2022 khi đây là thời điểm Việt Nam chính thức công bố mở cửa hoàn toàn cho di chuyển quốc tế đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lộ trình đưa ngành du lịch trở lại quỹ đạo phục hồi và phát triển.

Du lịch ngủ: Xu hướng nở rộ, động lực thúc đẩy và cách tiếp cận
Mức độ quan tâm về từ khóa tìm kiếm “sleep tourism” trên Google Trend từ 1/1/2019 - 11/8/2024.

Nghiên cứu của Booking.com cũng đã rút ra 7 xu hướng du lịch thịnh hành trong 2024, trong đó có loại hình du lịch ngủ khi 58% du khách toàn cầu mong muốn thực hiện một chuyến du lịch chỉ để tận hưởng một giấc ngủ trọn vẹn mà không bị gián đoạn. Cụ thể, du khách đến từ Trung Quốc và Thái Lan dẫn đầu nhu cầu du lịch chỉ để ngủ với tỷ lệ lần lượt 83% và 75%, trong khi mức độ sẵn sàng trải nghiệm du lịch ngủ của du khách châu Âu (Pháp, Ý, Đan Mạch) thấp hơn với tỷ lệ 38% - 41%. Tại thị trường Việt Nam, nghiên cứu cũng tiết lộ 67% khách Việt (trong tổng số 1007 người được khảo sát) cho biết mục đích du lịch là tận hưởng một giấc ngủ ngon và không bị gián đoạn. 

Theo Varun Grover, Giám đốc Quốc gia của Booking tại Việt Nam nhận định xã hội ngày càng hối hả thì giấc ngủ dần trở thành tài nguyên quý giá và du lịch ngủ được dự đoán là xu hướng phổ biến trong tương lai. Báo cáo “Xu hướng du lịch 2024” của Hiton cũng tiết lộ du khách trên toàn cầu đang đầu tư vào giấc ngủ khi đi du lịch và động lực chính thúc đẩy họ du lịch ngủ trong 2024 là để nghỉ ngơi và sạc lại năng lượng. Ông Matt Schuyler – Tổng Giám đốc thương hiệu Hilton chia sẻ: “Trước đây “nghỉ ngơi” trong chuyến du lịch nghỉ dưỡng có nghĩa là tạm rời xa guồng quay công việc hoặc gác lại những trách nhiệm công việc và gia đình. Nhưng ngày càng có nhiều du khách đã tái định nghĩa “nghỉ ngơi” theo một ý nghĩa rộng hơn gắn với việc đạt được một giấc ngủ ngon trong hành trình trải nghiệm tại điểm đến”.

Du lịch ngủ: Xu hướng nở rộ, động lực thúc đẩy và cách tiếp cận
Nhiều du khách đã tái định nghĩa “nghỉ ngơi” theo một ý nghĩa rộng hơn gắn với việc đạt được một giấc ngủ ngon trong hành trình trải nghiệm tại điểm đến.

Theo Rebecca Robbins, nhà khoa học về giấc ngủ tại Đại học Y khoa của Harvard và là tác giả cuốn sách “Sleep for Success!” cho biết, "du khách ngày càng coi trọng giấc ngủ khi đi du lịch và trong thời gian di chuyển. Tầm quan trọng của sự nghỉ ngơi hợp lý và giấc ngủ chất lượng khi đi du lịch cũng được nhà khoa học này nhấn mạnh: “đã qua rồi những ngày du lịch và trở về nhà trong trạng thái mệt mỏi và kiệt sức. Ý tưởng du lịch ngủ có thể giúp bạn phục hồi năng lượng được xem là sự lựa chọn thay thế thú vị khi bạn có cơ hội học hỏi và trải nghiệm những điều mới lạ, đồng thời cho phép cơ thể và tâm trí của mình được nghỉ ngơi hợp lý nhằm tiếp sức cho hành trình khám phá tại điểm đến và trở về nhà trong trạng thái tươi tỉnh và tràn trề sức sống”.

Động lực thúc đẩy du lịch ngủ và tầm quan trọng của chất lượng giấc ngủ khi du lịch

Trong một xã hội hối hả và đề cao tính thực dụng, một giấc ngủ ngon và trọn vẹn ngày càng trở thành "món quà" xa xỉ. Cùng với những áp lực chất chồng từ công việc và cuộc sống đã dẫn đến những vấn đề về rối loạn giấc ngủ khi nhiều người đối mặt với tình trạng thiếu ngủ, hoặc ngủ không sâu giấc. Do đó, du lịch chỉ để có một giấc ngủ ngon, trọn vẹn mà không bị gián đoạn đã thôi thúc nhiều người lựa chọn trong các kỳ nghỉ của họ.

Du lịch ngủ: Xu hướng nở rộ, động lực thúc đẩy và cách tiếp cận
Lối sống thiếu lành mạnh và lịch trình sinh hoạt, làm việc bận rộn là những nguyên nhân làm gia tăng căng thẳng dẫn đến những rối loạn giấc ngủ.

Về định nghĩa, du lịch nghủ (sleep tourism) là một loại hình du lịch được thực hiện bởi du khách có mong muốn tìm kiếm các điểm đến và trải nghiệm mang đến cho họ những cơ hội thư giãn, tái tạo năng lượng và đạt được giấc ngủ ngon. Loại hình du lịch ngủ nhấn mạnh tầm quan trọng của các hoạt động và dịch vụ có ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần như chăm sóc sức khỏe, giảm căng thẳng và cải thiện chất lượng giấc ngủ. Theo phân tích của HTF Market Intelligence, thị trường du lịch ngủ được dự báo sẽ tăng trưởng gần 8% và đạt 400 tỷ USD trong giai đoạn 2023 – 2028. 

Sự tăng trưởng khả quan của thị trường du lịch ngủ chủ yếu được thúc đẩy bởi các yếu tố: sự quan tâm ngày càng lớn của mỗi cá nhân về sức khỏe, sự bùng nổ của du lịch chăm sóc sức khỏe và tình trạng rối loạn giấc ngủ đang gia tăng ở nhiều người. Theo đó, trong và sau đại dịch Covid-19, nhiều người coi trọng sức khỏe và nhận thức rõ ràng hơn về tầm quan trọng của giấc ngủ trong việc duy trì một sức khỏe tốt, do đó họ có nhu cầu cao cho các trải nghiệm du lịch giúp thư giãn và phụ hồi năng lượng. Mặt khác, lối sống thiếu lành mạnh và lịch trình sinh hoạt và làm việc bận rộn cũng là những nguyên nhân làm gia tăng căng thẳng dẫn đến những rối loạn giấc ngủ như khó ngủ, ngủ không đủ và sâu giấc.

Du lịch ngủ giúp nhiều người ngắt kết nối với cuộc sống bộn bề đầy lo toan, tận hưởng sự thư giãn của thân và tâm trí, từ đó có nhiều năng lượng để tham gia vào các trải nghiệm tại điểm đến. Các chuyên gia cũng khẳng định giấc ngủ chất lượng sau một đêm có thể mang lại những lợi ích tích cực như gia tăng sự sáng tạo, cải thiện tâm trạng và sức khỏe não bộ. Trong một nghiên cứu 600 du khách về giấc ngủ được thực hiện bởi Robbins – chuyên gia giấc ngủ giảng dạy khóa học về giấc ngủ tại khách sạn Sonesta đã cho tiết lộ, 1 trong 3 người được hỏi cho biết hài lòng và giấc ngủ trong suốt chuyến du lịch của họ. Vị chuyên gia này cũng khẳng định chất lượng giấc ngủ khi đi du lịch là một chỉ báo quan trọng về khả năng quay trở lại khách sạn của du khách. 

Du lịch ngủ: Xu hướng nở rộ, động lực thúc đẩy và cách tiếp cận
Việc triển khai các dịch vụ, tiện ích chuyên biệt dành cho du khách ngủ sẽ thu về nguồn lợi to lớn cho các đơn vị cung ứng du lịch.

Các nghiên cứu về ảnh hưởng của giấc ngủ đến trải nghiệm du lịch đã cho thấy, một giấc ngủ chất lượng là rất quan trọng để du khách tận hưởng những trải nghiệm xuyên suốt chuyến đi của họ, và được coi là một chỉ báo quan trọng cho sự hài lòng của khách hàng về chất lượng dịch vụ khách sạn và sự hài lòng tổng thể về chuyến du lịch. Do vậy, việc triển khai các dịch vụ, tiện ích chuyên biệt dành cho du khách ngủ không chỉ giúp các khách sạn, khu nghỉ dưỡng hưởng lợi từ thị trường đầy tiềm năng này mà còn tăng các chỉ số quan trọng về dịch vụ như Mức độ hài lòng về dịch vụ (CSAT) và khả năng Quay trở lại sử dụng dịch vụ trong tương lai (NPS).

Cách tiếp cận thị trường khách du lịch ngủ

Với việc xác định trọng tâm du lịch ngủ là những hoạt động và dịch vụ giúp cải thiện giấc ngủ và sức khỏe, khách sạn và khu nghỉ dưỡng ngày càng nỗ lực để giúp du khách có được giấc ngủ ngon và trọn vẹn bằng các dịch vụ và tiện ích chuyên biệt. Một trong những dịch vụ nổi bật được nhiều khách sạn cung cấp là “thực đơn gối” với các đặc tính thoải mái, chống vi khuẩn, không gây dị ứng và chất liệu ruột gối có nguồn gốc tự nhiên để thay thế cho chiếc gối lông vũ. Một trong những thương hiệu khách sạn đi đầu xu hướng triển khai “thực đơn gối” thân thiện với môi trường là khách sạn Hilton London Bankside khi cung cấp các loại gối ngủ có nguồn gốc tự nhiên như gối vỏ kiều mạch với đặc tính bền chắc và thoáng khí, gối lông gòn tự nhiên nhẹ nhàng và êm ái, hay gối có chất liệu polyester tái chế với ưu điểm thông thoáng, kháng khuẩn và hạn chế vi khuẩn. Một chiếc giường êm ái cùng những chiếc gối mềm mại và đảm bảo an toàn sức khỏe chắc chắn là một lựa chọn lý tưởng để nâng niu và “ôm ấp” từng giấc ngủ của du khách.

Du lịch ngủ: Xu hướng nở rộ, động lực thúc đẩy và cách tiếp cận
Du khách Gen Z và Millennial sẵn sàng mang theo chiếc gối êm ấm mà họ yêu thích để có một giấc ngủ ngon.

Nghiên cứu của Hilton cũng tiết lộ khoảng 20% du khách cho biết sẵn sàng mang theo chiếc gối êm ấm mà họ yêu thích để có một giấc ngủ ngon, trong đó Gen Z và Millennial dẫn đầu xu hướng mang theo gối ngủ khi đi du lịch với tỷ lệ lần lượt 23% và 22%. Nắm bắt được điều này, thương hiệu khách sạn có thể truyền tải các thông điệp trong các hoạt động truyền thông với hình ảnh có sự hòa hợp giữa du khách trẻ và chiếc gối bằng cách nhân cách hóa chiếc gối như một người bạn đồng hành giúp “vỗ về” giấc ngủ của những du khách trẻ.

Theo ông Amanda Al-Masri– Phó chủ tịch bộ phận chăm sóc sức khỏe của khách sạn Hilton, một số chuỗi khách sạn của thương hiệu này cung cấp các tiện nghi với chức năng giảm thiểu cường độ ánh sáng, đáng chú ý là giường ngủ tích hợp công năng điều chỉnh nhiệt độ và đèn ngủ được cài đặt ánh sáng mờ giúp du khách dễ dàng đi vào giấc ngủ. Các chuyên gia nghiên cứu của Booking.com cũng đã đề xuất khách sạn cung cấp giường ngủ sử dụng âm thanh dịu nhẹ và không có sự can thiệp của sóng điện từ (chủ yếu từ các vật dụng như máy tính, điện thoại) nhằm giúp du khách dễ dàng rơi vào trạng thái ngủ sâu, cùng với việc tích hợp công nghệ AI ghi lại những hành vi ngủ của du khách để điều chỉnh các dịch vụ phù hợp cho lần lưu trú tiếp theo của du khách ngủ.

Du lịch ngủ: Xu hướng nở rộ, động lực thúc đẩy và cách tiếp cận
33% du khách lựa chọn hoạt động nghe nhạc hoặc podcast để có một giấc ngủ ngon khi tá túc tại khách sạn.

Ông Al-Masri cũng chia sẻ thêm “khách du lịch quan tâm đến loại hình du lịch ngủ ngày càng mở rộng nhu cầu tìm kiếm các trải nghiệm độc đáo, các tiện nghi và môi trường giúp họ ngủ ngon tại nơi lưu trú nhằm đạt được một giấc ngủ chất lượng và thư giãn trọn vẹn”. Nghiên cứu xu hướng du lịch ngủ của Hiton cho thấy 33% du khách lựa chọn hoạt động nghe nhạc hoặc podcast để có một giấc ngủ ngon khi tá túc tại khách sạn. Thấu hiểu được thói quen này, các khách sạn có thể gợi ý danh khách các bản nhạc hoặc chương trình podcast giúp du khách có thể đắm chìm trong không gian âm nhạc với những âm thanh, giai điệu nhẹ nhàng và thư giãn trước khi chìm sâu vào giấc ngủ. 

Khách sạn và khu nghỉ dưỡng cũng có thể bố trí một không gian thoáng mát gẫn gũi với thiên nhiên tươi mát trong bầu không khí trong lành để tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm các hoạt động cường độ nhẹ như yoga, đi bộ, thiền định nhằm hỗ trợ cho giấc ngủ. Một số khách sạn còn đi trước đón đầu xu hướng ứng dụng các thiết bị công nghệ theo dõi giấc ngủ như camera hồng ngoại, micro và cảm biến chuyển động theo dõi tiến trình giấc ngủ được lắp đặt trong phòng nhằm đo nhịp tim, nhịp thở và chuyển động cơ thể của du khách xuyên suốt các giai đoạn ngủ khác nhau, từ đó đánh giá được chất lượng giấc ngủ.

Du lịch ngủ: Xu hướng nở rộ, động lực thúc đẩy và cách tiếp cận
Du khách có quyền kỳ vọng rằng khi quay trở về nhà sau chuyến du lịch sẽ không còn rơi vào vòng lặp thiếu ngủ.

Bên cạnh dịch vụ “thực đơn gối”, các tiện ích, cơ sở lưu trú có thể đa dạng hóa dịch vụ nhằm hỗ trợ giấc ngủ: trà giúp dễ ngủ, muối tắm chứa tinh dầu giúp xua tan mệt mỏi, cho đến các chương trình có sự đồng hành của các chuyên gia tư vấn về giấc ngủ giúp du khách phục hồi sức khỏe và tận hưởng sự thư giãn. Hướng đến đối tượng khách gặp tình trạng rối loạn giấc ngủ, các chuyên gia giấc ngủ tại khách sạn giúp du khách xác định gốc rễ của tình trạng khó ngủ, kiểm tra độ sâu của giấc ngủ, từ đó đề xuất các liệu pháp khắc phục rối loạn giấc ngủ. Các nghiên cứu cũng chỉ ra có sự liên quan giữa căng thẳng và giấc ngủ kém. Căng thẳng có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ cũng như khả năng chìm nhanh vào giấc ngủ và duy trì giấc ngủ sâu. Ngủ không đủ giấc sẽ làm tăng căng thẳng và tạo ra một vòng lặp lẩn quẩn. Do đó, các chương trình giấc ngủ có sự hướng dẫn của chuyên gia sẽ là lựa chọn lý tưởng để du khách không chỉ cải thiện giấc ngủ khi tận hưởng kỳ nghỉ tại khách sạn mà còn “bỏ túi” các bí kíp ngủ ngon khi quay trở về nhà để không còn rơi vào vòng lặp thiếu ngủ và ngủ không sâu giấc.

fb share
copy link

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH



Tin tứcĐiểm đếnLưu trúẨm thựcHàng không & Công nghệ