Lần đầu trải nghiệm làm cua-rơ ở Hà Giang
Từ những đoạn đường rộng mở đến những khúc cua hẹp, hiểm trở, hành trình 200 km trên Cung đường Hạnh Phúc Hà Giang đã cho tôi cơ hội trải nghiệm làm cua-rơ thực thụ. Cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ, từ núi đôi Quản Bạ, cánh đồng tam giác mạch Đồng Văn, đến đèo Mã Pí Lèng đầy thử thách, mang đến cảm giác hòa mình vào thiên nhiên nhưng cũng không ít giây phút hồi hộp. Đây chắc chắn là một hành trình đáng nhớ trên miền cao nguyên đá hùng vĩ.
Ngày đầu tiên còn bỡ ngỡ nhưng đến ngày thứ hai đã như cua-rơ, đó chính là cảm giác của tôi khi lần đầu lái xe ở Hà Giang.
Không thích không khí ngột ngạt của những chiếc xe khách, tôi quyết định thuê xe máy để khám phá “Cung đường Hạnh phúc” dài 200km nổi tiếng mà người ta nói nên trải nghiệm một lần khi đến Hà Giang. Bắt đầu từ cột mốc số 0 ở trung tâm thành phố Hà Giang, cung đường này nối dài qua Yên Minh, Quản Bạ, Đồng Văn và kết thúc ở Mèo Vạc. Đứng trên cung đường lịch sử và tận mắt chứng kiến vẻ đẹp của cao nguyên đá hùng vĩ là một điều rất đặc biệt đối với tôi.
Khởi hành từ trung tâm thành phố Hà Giang lúc 8 giờ sáng, chúng tôi không đặt mục tiêu cho mình là phải đi quá nhanh, hay đến đích sớm. Càng đi chúng tôi càng phấn khích vì khung cảnh hai bên đường quá đẹp. Tôi không biết đã đi qua bao nhiêu con đèo, bao nhiêu khúc cua mà không hề cảm thấy mệt mỏi hay lo sợ. Cao nguyên đá với những tảng đá dựng đứng hình dáng khác nhau, có phần rắn chắc, lạnh lùng nhưng đẹp kiên cường. Cung đường từ trung tâm thành phố về thị trấn Quản Bạ rộng thênh thang và khá đẹp, hai bên đường có thể nhìn thấy núi Đôi hùng vĩ và những cánh đồng xanh mướt. Chúng tôi quyết định dừng chân nghỉ ngơi đêm đầu tiên ở Quản Bạ, cách điểm xuất phát khoảng 50km.
Ngày thứ hai, chúng tôi chạy một mạch không nghỉ đến Đồng Văn. Bạn có thể nhìn thấy tam giác mạch mọi nơi ở Hà Giang, nhưng tôi thấy đẹp nhất và tập trung thành từng cụm với diện tích lớn ở đoạn đường từ Quản Bạ đến Đồng Văn. Không giống như các địa điểm phục vụ cho thương mại, những cánh đồng hoa tam giác mạch ở đây được người dân trồng để canh tác nông nghiệp. Trước khi thu hoạch, người ta tận dụng nó làm điểm dừng chân cho du khách chụp hình với mức phí khoảng 10.000 đồng/người, sau đó, họ sẽ gặt về để làm lương thực.
Khi đến trung tâm Đồng Văn, chúng tôi cảm nhận được không khí vui tươi của các khu chợ phiên cũng như sự phóng khoáng của người dân. Nơi đây là địa điểm thường diễn ra các lễ hội và triễn lãm. Lúc chúng tôi đến họ đang có triển lãm tranh ở trung tâm văn hoá của thị trấn.
Có rất nhiều địa điểm tham quan xung quanh Đồng Văn như dinh thự Vua Mèo, đền thờ thần Nước, nhà của Pao, ... Chúng tôi ghé nhà Vua Mèo nhưng đường đi lại không hề dễ dàng. Đó là những con dốc đứng và liên tiếp xuất hiện, cộng thêm mưa phùn từ sáng đến tối khiến đường nhiều bùn đất trơn trượt. Vì đã là ngày thứ 2, tôi gần như đã quen với chiếc xe và nắm bắt địa hình của khu vực, nên tất cả không làm khó được tôi.
Ngày thứ 3 của hành trình, chúng tôi quyết định lái xe thêm 50km nữa để đến làng Lô Lô Chải, ngôi làng nơi địa đầu Tổ Quốc. Đó là những đoạn đèo mù sương, có những lúc chúng tôi không thể thấy được đường đi vì mây bao phủ trắng xóa. Chúng tôi chạy xe theo cảm tính giữa biển mây, một cảm giác khá mơ hồ đầy lạ lẫm nếu không muốn nói là nguy hiểm. Nhưng cũng nhờ vậy mà chúng tôi được chiêm ngưỡng biển mây no nê.
Ngày cuối, chúng tôi lựa chọn nghỉ chân lại Mèo Vạc, lúc này khó khăn mới bắt đầu ập đến. Cung đường Hạnh phúc không còn làm người ta hạnh phúc nữa khi đi qua đèo Mã Pí Lèng, một trong tứ đại đỉnh đèo với những cung đường uốn lượn, một bên là vực thẳm sâu hun hút, một bên là núi đá cheo leo. Đặc biệt, đoạn đến vách đá trắng là đoạn đường thử thách không chỉ cho các tay lái mà còn cho cả khách bộ hành, vì chỉ đi bộ thôi đã cảm thấy lạnh sống lưng. Đoạn đường rất hẹp, dốc cao, ngoằn ngoèo và khá khó đi. Chúng tôi phải gửi xe ở nhà dân và đi bộ 5km đến vách đá trắng. Đến nơi, vách đá trắng hiện ra sừng sững giữa không gian, với những bậc thang hoàn toàn được làm bằng đá xếp bằng kích thước chỉ vừa một bàn chân. Thế mà nhiều người vẫn mạo hiểm leo đến điểm cao nhất để thu về trọn khung cảnh đèo Mã Pí Lèng ngay bên dưới.
Nếu như đèo Mã Pí Lèng khiến các tay lái phải căng não và hết sức tập trung, thì đoạn đường tiếp theo từ làng H'Mông đến trung tâm thị trấn Mèo Vạc - điểm cuối của hành trình, lại rất thư giãn. Đường vào trung tâm thị trấn Mèo Vạc bằng phẳng và rộng rãi, phong cảnh hai bên đường đẹp như tranh với những cánh đồng ngô cao ngang đầu, những ngôi nhà đất đặc trưng của cao nguyên đá, các em nhỏ nô đùa trước mái hiên, xung quanh là những đàn bò đang nhởn nhơ gặm cỏ.
Chúng tôi nghỉ chân tại đài vọng cảnh Mèo Vạc, từ đây, có thể ngắm khung cảnh hùng vĩ của núi đồi, vực sâu bên dưới và dòng sông Nho Quế xanh ngọc bích. Lúc chúng tôi đến thì cũng có một đoàn xe đạp Hàn Quốc khoảng 50 người trong độ tuổi trung tiên trông rất khoẻ mạnh và năng động. Họ đang thực hiện hành trình đạp xe từ Đồng Văn đến Mèo Vạc.
Cuối cùng, chúng tôi cũng đã hoàn thành được chặng đường 200km chinh phục “Cung đường Hạnh phúc” khám phá cao nguyên đá Hà Giang. Khác hẳn phần còn lại của Việt Nam, chạy xe trên những cung đường đèo của Hà Giang mang lại trải nghiệm rất đặc biệt với góc nhìn 360 độ, từ thư giãn đến hồi hộp thót tim.