Một vòng ẩm thực xứ ngàn hoa

Đà Lạt mộng mơ với sương mù giăng phủ, dưới chân là hoa nở bốn mùa, trên trời là biển mây trắng xốp tựa tấm mền bông ấm áp, mềm mại. Cuộc sống của người dân cứ vậy mà chậm rãi trôi qua cùng những món ăn, thức uống bình dị, ấm nóng đậm đà hương vị để từ từ thưởng thức giữa tiết trời mát mẻ, se lạnh về cuối năm.

Hieu Nguyen Tran
Hieu Nguyen Tran
fb share
copy link

Bánh căn

Một vòng ẩm thực xứ ngàn hoa

Bánh căn xuất hiện ở nhiều nơi nhưng lần đầu tiên tôi thấy bánh căn làm trên lò đất nung là ở Đà Lạt. Bánh căn Đà Lạt có hình dáng khá tương đồng với bánh khọt, phổ biến tại các tỉnh miền Nam, khác là được đổ trên khuôn lò làm bằng đất nung, mỗi khuôn đều có nắp đậy như một chiếc nồi đất mini. Bánh được làm từ bột gạo xay nhuyễn, thêm nhân trứng, tôm, thịt.

Một vòng ẩm thực xứ ngàn hoa

Bánh căn ăn cùng nước chấm xíu mại đặc trưng của Đà Lạt và phải ăn ngay khi mới ra lò, nóng hổi mới ngon. Những chiếc bánh xốp, mềm, vỏ giòn, nhân mềm, ngọt, thơm lừng, béo ngậy mỡ hành rất thích hợp cho bữa xế chiều trong một ngày trời se lạnh với mức giá chỉ từ 20.000 đồng/phần. Mọi người nên tìm đến những quán bánh căn lề đường hay trong nhà của người dân địa phương thay vì những nhà hàng lớn. Ở đó, bạn có thể vừa chậm rãi thưởng thức vừa quan sát, lắng nghe những câu chuyện thường ngày người dân chia sẻ cùng nhau.

Bánh ướt lòng gà

Một vòng ẩm thực xứ ngàn hoa

Cũng làm từ bột gạo nhưng bánh ướt có hình dạng và hương vị khác hẳn bánh căn, đặc biệt khi kết hợp với lòng gà lại trở thành đặc sản vang danh của Đà Lạt. Bánh ướt được tráng mỏng trên nồi hấp như bánh cuốn, bánh tráng, cắt thành miếng vừa ăn, thêm thịt, lòng gà dai dai và tràng trứng béo bùi. Một bát bánh ướt lòng gà là bữa sáng hoàn hảo với người dân Đà Lạt, chẳng lo nặng bụng mà cung cấp đầy đủ protein và tinh bột để bắt đầu ngày mới. Giá bánh ướt lòng gà chỉ từ 40.000 VNĐ/phần.

Bánh mì xíu mại

Một vòng ẩm thực xứ ngàn hoa

Ngoài bánh căn, bánh mì cũng hòa hợp hoàn hảo với nước chấm xíu mại mỡ hành, cạnh tranh cùng bánh ướt lòng gà ở vị trí món ăn sáng được nhiều người yêu thích nhất. Làm nên hương vị cho món ăn này là nước chấm chua ngọt ninh từ xương heo thêm vài sợi gừng tươi và viên xíu mại nặn từ thịt và da heo xay nhuyễn, dai dai, mỡ màng. Những quán bánh mì xíu mại ở Đà Lạt luôn đông khách vào buổi sáng, và tôi thường phải dậy thật sớm để thưởng thức món bánh mì chấm giá từ 30.000 đồng này.

Lẩu gà lá é

Một vòng ẩm thực xứ ngàn hoa

Tuy không xuất xứ từ Đà Lạt nhưng người dân Đà Lạt đã đưa món lẩu gà lá é thành đặc sản nổi tiếng. Lá é thuộc họ húng quế, được tìm thấy nhiều ở miền Trung, có nhiều công dụng như phòng ngừa ung thư, bệnh mạch vành, hỗ trợ điều trị ho, sốt, giảm khó tiêu, đầy bụng.
Lá é khi ăn sống có vị chua và chát nhưng khi nấu chín cùng thịt gà thì lại tạo ra vị chua thanh thanh và hương thơm the mát gần giống mùi sả. Lẩu gà lá é nóng hổi thường ăn kèm măng tươi và bánh đa nướng giòn, giá từ 250.000 đồng một nồi cho 2 - 4 người.

Gà nướng sốt tiêu xanh

Một vòng ẩm thực xứ ngàn hoa

Bên cạnh lẩu, các loại đồ nướng cũng là bữa chính được nhiều du khách lựa chọn vào buổi tối, khi sương giăng và gió lạnh se se thổi về. Một đĩa gà nướng tiêu xanh vàng giòn, da căng bóng, thịt ngọt mềm, mọng nước chinh phục cả thị giác, khứu giác và vị giác của thực khách. Với tôi, điểm nhấn đặc biệt khi thưởng thức món nướng này là views thung lũng ánh sáng lấp lánh đèn về đêm.

Bánh tráng nướng

Một vòng ẩm thực xứ ngàn hoa

Bánh tráng nướng được gọi vui là “pizza Việt Nam” với đế bánh là bánh tráng nướng giòn và đa dạng các loại nhân được kết hợp với nhau, từ trứng gà, trứng cút, hành lá, tôm khô, xúc xích, phô mai, khô bò…. Là món ăn vặt phổ biến ở nhiều nơi nhưng bánh tráng nướng Đà Lạt trở nên đặc biệt nổi tiếng khi đi cùng sữa đậu nành nóng và bán chạy vào buổi tối. Chỉ với 15.000 - 20.000 đồng, du khách đã có thể thưởng thức món pizza thập cẩm lưu truyền Đà Lạt này.

Nem nướng

Một vòng ẩm thực xứ ngàn hoa

Nem nướng cũng là một món đặc sản nơi khác được người dân Đà Lạt sáng tạo theo cách riêng và trở nên nổi tiếng với khách du lịch. Nem được làm từ thịt lợn xay cùng chút mỡ, giò sống, tôm, bì lợn, tỏi, hành tím, gia vị, xiên vào que đem nướng trên than hồng, hương thơm béo ngậy kích thích vị giác. Nem nướng Đà Lạt ăn cùng nước chấm lọc từ nước cốt xương heo trộn cùng tương hột xay nhỏ, nêm gia vị, đặt trên bếp lửa nóng âm ỉ giữ ấm.
Điều kiện thời tiết của Đà Lạt cung cấp cho người dân các loại rau phong phú để ăn kèm như xà lách, rau thơm, dưa chuột, củ đậu, hành củ ngâm giấm, mang đến cảm giác tươi mát và giảm ngán khi cuốn cùng nem.

Kem bơ Đà Lạt

Một vòng ẩm thực xứ ngàn hoa

Nhắc đến món tráng miệng sau khi no bụng với đồ mặn, người dân Đà Lạt gợi ý tôi thưởng thức kem bơ. Bơ sáp Đà Lạt nổi tiếng với lớp thịt béo bùi được đánh nhuyễn, sánh mịn, dẻo thơm trộn cùng sữa đặc ngọt lịm và viên kem vị dừa hoặc vani lạnh tê tê đầu lưỡi, có “sức mạnh” thỏa mãn cơn thèm đồ ngọt sau bữa chính.

Trà atiso

Một vòng ẩm thực xứ ngàn hoa

Bông atiso là loại dược liệu và thực phẩm đặc sản của Đà Lạt - xứ lạnh ngàn hoa với nhiều lợi ích cho sức khỏe: ổn định huyết áp, tăng chức năng gan, hỗ trợ hệ tiêu hoá và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Mọi người có thể thưởng thức các món làm từ atiso như bông atiso hấp, canh atiso nấu sườn, atiso hầm táo đỏ, nhưng tôi khuyến khích mọi người nên thử trà atiso. Trà có màu đỏ hồng đẹp mắt, vị chua ngọt nhẹ, có thể uống nóng hoặc lạnh và có cả loại túi lọc để bạn mua về làm quà.

Bài & Ảnh: Hiếu Nguyễn Trần - Quỳnh Mai

fb share
copy link

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH



Tin tứcĐiểm đếnLưu trúHàng không & Công nghệGóc nhìn