Nét đẹp truyền thống ẩn sau nếp sinh hoạt thường ngày của người dân xứ Nẫu
Được biết đến là một trong những nơi có nhiều cảnh đẹp của tỉnh Phú Yên nhưng tiềm năng du lịch của thị xã Sông Cầu không chỉ dừng lại ở đó. Du khách có thể tham quan các làng nghề truyền thống, thưởng thức các loại thủy hải sản đặc sản trên bè nổi giữa đầm Cù Mông, qua đó hiểu hơn về vẻ đẹp giản dị trong cuộc sống đời thường của người dân nơi đây.
Nằm ở phía Bắc tỉnh Phú Yên, giáp TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, thị xã Sông Cầu được thành lập năm 2009, là địa phương có chiều dài đường bờ biển lớn nhất tỉnh. Sông Cầu sở hữu nhiều danh thắng như vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông, nhiều bãi biển đẹp như: Vịnh Hòa, Bãi Tràm, Bãi Bàu, đảo Nhất Tự Sơn, theo trang Thông tin Du lịch Thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.
Đi qua khỏi cầu Xuân Cảnh bắc qua đầm Cù Mông (nối hai thôn Hòa Hội với Hòa Thạnh, xã Xuân Cảnh), rẽ phải là đến làng nghề đan bóng mò o truyền thống đã tồn tại hơn 100 năm. Từ đầu thôn đến cuối thôn, du khách dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ trung niên ngồi trước hiên, trong sân nhà cần mẫn chẻ mò o, vót nan, đan bóng, lận toi.
Làng nghề có hơn 100 gia đình vẫn đang duy trì nghề, kỹ thuật đan bóng mò o được lưu truyền qua nhiều thế hệ.
"Bóng" là dụng cụ đánh bắt cá tôm, cua ghẹ giống như cái lờ, cái đó của người miền Bắc. Gọi là bóng mò o vì dụng cụ này được làm từ cây mò o, giống cây tre nhưng kích thước nhỏ hơn, thường mọc trên núi cao tại các xã Xuân Lãnh, Đa Lộc, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Bóng mò o không chỉ để thả bắt cá ven đầm Cù Mông mà bán ra Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận, Vũng Tàu. Bóng mò o tuổi thọ 2-3 tháng là mục nhưng nhiều người thích dùng vì thân thiện với môi trường.
Những người phụ nữ hồn hậu ngồi dưới nền đất, vừa tỉ mỉ vót nan, đan bóng vừa chia sẻ về các công đoạn và cuộc sống gắn bó với những chiếc bóng mò o. Ở đây nhà nào cũng sắm cái rựa để chẻ mò o. Cây mò o có nhiều “mắc cứng” nên rựa làm nghề phải bén để khi chẻ, lưỡi rựa lướt qua những “mắc cứng” ấy, tạo nên những sợi nan dài mà không gãy vụn.
Vì lưỡi rựa bén nên chuyện đứt tay cũng xảy ra như cơm bữa, những vết sẹo chồng sẹo ở ngón tay trỏ. Người thợ thường đeo găng bên tay giữ sợi nan để không bị dằm đâm vào tay, bên tay vót nan cuốn giấy vào ngón trỏ để hạn chế bị thương.
Vót nan xong đến công đoạn đan bóng rồi lận toi. Theo kinh nghiệm truyền lại, bí quyết đan bóng để bắt được nhiều cá to là đan tấm mê sau đó cung lại thành hình cái bóng rồi lận toi vào. Chỗ đặt miệng toi có lõm sâu vào như hình chữ V, khi đặt bóng xuống nước tạo khoảng rỗng, nước tràn sâu nên cá dễ chui vào, còn nếu chỗ đặt toi đan bằng mặt của vành bóng thì cá khó chui vào hơn.
Nghề này tuy thu nhập không cao, nhưng vừa giúp người dân nơi đây cải thiện cuộc sống, vừa gìn giữ được nghề truyền thống, làm giàu cho văn hóa địa phương.
Rời xã Xuân Cảnh, đến xã Xuân Thọ, du khách có thể tìm đến gia đình chị Trần Thị Đạo với hơn 30 năm thổi lửa làm bánh tráng nước dừa. Tuy không nổi tiếng như dừa Bến Tre nhưng cây dừa cũng gắn bó lâu đời với người dân Phú Yên nói chung và người dân thị xã Sông Cầu nói riêng. Trong ẩm thực đặc sản địa phương, bánh tráng nước dừa Phú Yên cũng được coi là một trong những món đặc sản. Năm 2022, làng nghề bánh tráng Phú Yên được công nhận là di sản phi vật thể quốc gia năm 2022.
Nơi sản xuất là một gian nhà nhỏ được chia thành ba khu vực: bếp lửa để hong bánh, bếp tráng bánh và nơi chuẩn bị nguyên liệu, đặt máy xay gạo. Đây là nơi cho ra lò khoảng 600 chiếc bánh tráng thủ công mỗi ngày để cung cấp cho các thương lái ở Phú Yên.
Bánh tráng nước dừa Phú Yên cũng được làm từ gạo xay nhuyễn, trộn với nước cốt dừa, cơm dừa vắt lấy nước. Người dân ở đây sử dụng bếp đất và một chiếc nồi âm, phủ một lớp vải mỏng để tráng bánh.
Điểm đặc biệt của bánh tráng Phú Yên là bánh sẽ được tráng hai lớn, lớp sau cách lớp trước khoảng 5 - 10 giây. Do vậy bánh tráng Phú Yên sẽ dày hơn, khi nướng lên sẽ phồng và giòn hơn. Bánh tráng xong được đặt trên các giàn phơi nắng hoặc hong bếp lửa vào những ngày trời âm u.
Du khách đến đây sẽ được hướng dẫn và trải nghiệm quy trình tráng bánh. Bánh tráng sau khi nướng giòn, hai mặt sạm vàng có hương thơm và vị bùi của nước cốt dừa, vị ngọt dịu của gạo. Đây cũng là món quà quê đặc sản được nhiều du khách chọn mua về làm quà khi đến tham quan.
Đèo Cù Mông - điểm đầu của tỉnh Phú Yên (tính từ Bắc vào Nam) từng là ranh giới hai nước Đại Việt và Chiêm Thành khi xưa. Nằm nối tiếp đèo Cù Mông là đầm Cù Mông, nơi lý tưởng để du khách trải nghiệm nếp sinh hoạt trên các đầm nổi đặc trưng của người dân thị xã Sông Cầu. Đầm có tên thường gọi là vũng Mồi, thuộc xã Xuân Lộc.
Đầm Cù Mông dài và hẹp do được bao bọc bởi dãy núi Cù Mông vươn ra biển. Đây là vùng nuôi tôm hùm thương phẩm lớn nhất tỉnh Phú Yên và một số loài hải sản giá trị cao khác như cá ngựa, sò đá. Từ xa xưa, người dân nơi đây đã có câu: "Cá ngon là cá Cù Mông. Gạo ngon là gạo ở đồng Phú Dương", nhấn mạnh chất lượng của thủy, hải sản ở đầm Cù Mông.
Đến đầm Cù Mông, du khách có thể trải nghiệm đi thuyền thúng, giăng lưới bắt cá cùng ngư dân tại đầm. Sau khi chèo một vòng thuyền để rải lưới, ngư dân sẽ dùng chính cây sào chèo thuyền đập xuống mặt nước để đuổi cá bơi nhanh, mắc vào lưới rồi thu lưới lại. Những loại cá có thể dễ dàng bắt được ở đây là cá chim vây vàng, cá dìa, cá ồ, cá mú.
Cá sẽ được chế biến và thưởng thức ngay trên bè bằng cách nướng không ướp gia vị hoặc nấu canh chua cùng rau giang, một loại rau đặc trưng của miền Trung, tạo độ chua tự nhiên.
Nhà bè cũng là khu vực người dân nuôi vẹm, hàu sữa. Hàu được nuôi bằng giàn trên đầm theo phương pháp tự nhiên. Ngư dân làm giàn và cắm cọc trên đầm, buộc các sợi dây để hàu bám vào sinh trưởng. Khi khai thác, chỉ cần cắt dây và kéo từ từ dây hàu lên mặt nước.
Du khách có thể trải nghiệm thu hoạch hàu trên các giàn tre dựng giữa đầm. Những dây hàu, vẹm tươi rói mới kéo lên được mang đi hấp và được thực khách thưởng thức tại nhà bè. Thịt hàu sau khi chín chuyển sang màu trắng sữa hơi ngà, có độ ngọt nhẹ, mọng nước, mang hương vị tươi mát của thủy sản.
Nói về ẩm thực, bạn không thể bỏ lỡ món tôm hùm ở thị xã Sông Cầu, nơi được mệnh danh là "thủ phủ tôm hùm của tỉnh Phú Yên". Năm 2023, Liên minh Kỷ lục Thế giới (WorldKings) công nhận Phú Yên là địa phương có hệ thống món ăn độc đáo được chế biến từ tôm hùm nhiều nhất thế giới, có thể kể đến là gỏi, nộm, salad, cuốn, súp hoặc đơn giản là tôm hùm nướng.
Tôm hùm ở thị xã Sông Cầu không quá to, kích thước chiều dài khoảng 20 - 30 cm và chiều ngang khoảng gần 10 cm. Thịt tôm hùm tươi rất chắc và dai, cần nhai kỹ nhưng khi nhai sẽ dần cảm nhận được độ ngọt của thịt.
Bạn có thể sẽ bất ngờ vì ngay trong các hoạt động hằng ngày lại ẩn chứa những nét văn hóa lâu đời, được người dân xứ Nẫu gìn giữ một cách rất tự nhiên, bình dị.