Những cảnh đẹp ẩn trên bản đồ du lịch, cung đường ven biển từ Vũng Tàu đến Bình Thuận
Trên cung đường từ Vũng Tàu đến thị trấn Phan Rí Cửa của vùng đất Bình Thuận, chúng mình thu vào tầm mắt nắng, gió, cát trắng và màu xanh của biển kéo dài đến tận chân trời.
Khi tiết trời nắng nóng trở nên dịu hơn vào tháng 8, chúng mình thực hiện một chuyến phượt ngắn để trải nghiệm cung đường ven biển từ Vũng Tàu đến Bình Thuận. Thay vì chọn những điểm dừng chân nổi tiếng đã trở nên quen thuộc, chúng mình cảm thấy háo hức hơn khi thử tìm kiếm những điều mới lạ trên cung đường mình đi, ngắm những cảnh đẹp ít người biết và trải nghiệm ở một nơi không quá nhộn nhịp. Và chúng mình tìm thấy Phan Rí Cửa, một thị trấn nhỏ nằm ngay cửa sông Lũy đổ ra biển thuộc huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Mất hơn 5 tiếng di chuyển trên quãng đường gần 230 km, chúng mình đã nhận được sự “đền đáp” hơn mong đợi. Những khung cảnh mới lạ dần mở ra trước mắt, trở nên sống động hơn khi đến gần và rồi lùi lại sau từng vòng bánh xe. Nắng vàng ở trước mặt và mây đen đuổi theo phía sau, tiếng xe cộ thay bằng tiếng gió xé qua tai, khói bụi nhường chỗ cho vị mặn của biển cả, táp vào mặt, vào người chúng mình trong cuộc “trốn chạy” ngắn ngày nhưng thầy phấn khích.
Từ trung tâm TP Vũng Tàu, chúng mình hướng về đèo Nước Ngọt - cầu nối vắt ngang giữa hai huyện Long Điền và Đất Đỏ của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Phóng nhanh qua những hàng dương, cung đường chữ C đặc trưng với một bên là sườn núi, một bên là mặt biển xanh thẫm, chia cắt bởi những cây đèn đường trắng tựa như cảnh phim Hàn hiện ra trước mắt.
Mặc dù tên gọi là đèo Nước Ngọt nhưng đường đi rộng rãi, bằng phẳng, không hiểm trở như những con đèo trong trí tưởng tượng của bạn đâu. Vào sáng sớm, mặt trời đỏ hồng vén từng làn mây mỏng, mang những tia sáng đầu ngày tưới xuống cả một vùng không gian rộng lớn, cảnh vật trở nên rực rỡ dưới nắng. Lúc chiều tà, mặt biển phản chiếu ánh nắng cuối ngày long lanh như dát vàng đầy vẻ mê hoặc, quyến rũ người lữ khách dừng chân thưởng thức. Đứng trên đỉnh đèo nhìn xuống, biển và trời như hòa làm một, trong tầm mắt chỉ là một màu xanh thăm thẳm dịu mát.
Cách đèo Nước Ngọt không xa, làng chài Phước Hải yên bình trong sớm mai, chỉ có lác đác vài người dân đi đánh cá hoặc tắm biển. Điều chúng mình nhìn thấy trước mắt là hình ảnh của một làng chài đúng nghĩa, vắng đi tiếng huyên náo trong những quán ăn phục vụ khách du lịch và cũng không còn những hàng xe máy, ôtô xếp dọc bên bờ kè. Giữa mênh mang biển trời, mình nghe rõ tiếng sóng vỗ từng đợt đẩy chiếc thuyền thúng mang theo tôm cá tươi rói về bờ, nơi người dân chờ đợi để bắt đầu một ngày mới thường nhật.
Để lại hình ảnh về làng chài bình dị, chúng mình tiếp tục hành trình qua Hồ Tràm và Hồ Cốc trước khi đến địa phận tỉnh Bình Thuận. Qua mỗi cung đường uốn lượn, chúng mình lại ghi lại một bức hình chỉ có cây cỏ, mây trời và con đường chúng mình đang đi. Không một khoảnh khắc nào mình cảm thấy nhàm chán hay mệt mỏi khi tiếng sóng vỗ ì oạp vang lên đều đặn từ phía bên tai trái.
Đi được nửa quãng đường, chúng mình dừng chân ở thị xã Lagi nằm ở phía nam tỉnh Bình Thuận để nghỉ ngơi và ăn trưa. Vài năm gần đây, La Gi dần được nhiều người biết tới với một số bãi tắm như Bàu Trắng mini, Đồi Dương, Lagi, Tân Hải, Cam Bình. Nhưng mình thích nhìn ngắm những chiếc thuyền đánh cá xếp san sát nhau, ngay ngắn và trật tự. Khác với Phước Hải, ở đây người dân sử dụng thuyền máy cỡ lớn thay thuyền thúng. Khi trời còn chưa hửng sáng, những chiếc thuyền xuôi dòng ra biển, mang hải sản về đất liền rồi neo đậu tại hai bên bờ sông Dinh. Có thể nói ở Lagi, mình nhìn thấy thuyền còn nhiều hơn xe cộ đi ngoài đường.
Bữa trưa của chúng mình là một mâm chả lụi Lagi đầy đủ cả rau và nước chấm cho 2 người ăn với giá 50.000 đồng. Từ “lụi” để chỉ những món ăn sử dụng xiên que tre nhỏ vót nhọn để nướng trên bếp than, thường phổ biến tại các tỉnh Nam Trung Bộ, bao gồm cả Bình Thuận.
Chả lụi Lagi được chế biến từ hỗn hợp thịt tôm và thịt ba chỉ, cuộn lại trong lớp bánh tráng dày và nướng chín. Miếng chả hình chữ nhật màu nâu vàng ngon mắt, bên ngoài giòn rụm, bên trong nhân thịt đẫy đà và có vị hơi mặn theo khẩu vị của người miền Trung, ăn cùng xoài chua, xà lách và rau thơm. Nước chấm chả lụi Lagi có công thức khá độc đáo. Ngoài cà chua xay, nước cốt me, ớt, đậu phộng xay nhuyễn, người ta còn cho thêm bánh quy để tăng độ giòn, ngọt và béo ngậy cho chả lụi.
Đi thêm hơn 60km, chúng mình đến trung tâm thành phố Phan Thiết, qua Mũi Né và Bàu Trắng để đến Phan Rí Cửa. Mình từng được nghe nhiều lời khen về cung đường Bàu Trắng Bình Thuận, nơi có thể chạy xe xuyên qua những vạt đồi phủ đầy cát trắng. Nhưng khi tận mắt nhìn, mình thất vọng khi thấy cát không trắng, cây đã mọc kín hai bên đường, hàng quán dựng lên san sát để phục vụ khách du lịch. Chẳng còn thấy đâu hình ảnh về một Bàu Trắng hoang sơ trong những bức ảnh mình xem trên mạng. Điều “an ủi” duy nhất có lẽ là những tuabin gió khổng lồ vẫn xoay đều trên bầu trời.
Đổi lại, chúng mình được trải nghiệm một cung đường gần giống chữ C, ôm lấy bờ cát thoai thoải và chiêm ngưỡng Hòn Rơm nổi tiếng ở thành phố Mũi Né.
Nhưng cung đường ấn tượng nhất khiến chúng mình dành cả gần nửa tiếng dừng lại để chụp ảnh, ngắm nhìn phải kể đến đoạn từ Phan Rí Cửa đến Ghềnh Son, nơi một vibe khác biệt hoàn toàn với Mũi Né hay Bàu Trắng. Cả đoạn đường là bờ cát trắng phủ đầy những mảnh vỏ sò nhiều màu sắc. Một vạt cỏ xanh rì các loại hoa dại, dây leo và xương rồng tai thỏ. Cắt giữa hai khung cảnh đối lập ấy là con đường trải bê tông phẳng lì uốn lượn theo đường bờ biển, lác đác vài chiếc lán đơn sơ chỉ có cọc gỗ và vải bạt. Và bắt đầu từ đây, mở ra trước mắt chúng mình là cung đường đẹp nhất hành trình, những nơi chỉ có chúng mình và thiên nhiên.
Gành Son hay còn được gọi là Ghềnh Son thuộc xã Chí Công, huyện Tuy Phong, cách trung tâm thị trấn Phan Rí Cửa khoảng 7km. Gành Son thực chất là một vịnh nhỏ, có cả bãi biển và bãi đá. Đây là nơi tập trung thuyền thúng của một xóm chài trên cát có tên gọi làng Guồng. Bãi cát trắng phau làm nổi bật những chiếc thuyền nhiều màu sắc dưới cái nắng gắt của vùng duyên hải.
Địa điểm chúng mình đứng là một đồi đất sét đỏ, cứng, do mưa gió bào mòn, cao hơn mặt nước khoảng 20m. Nhìn từ xa, Ghềnh Son giống như những dãy núi đá màu đỏ chạy dài, nước đẽo gọt thành khe, vuốt tròn những tảng đá nằm nhô ra biển.
Từ đây, mình có thể nhìn thấy bờ cát trải dài phía bên trái, toàn cảnh sinh hoạt của làng chài trên biển và chiêm ngưỡng cả cánh đồng điện gió ở xa xa phía bên phải, nơi mặt biển lấp lánh như kim cương ánh lên dưới nắng. Dưới chân là màu đỏ của đá, màu xanh cây cối, trước mặt là màu xanh của biển và trời, hòa vào trong một bức tranh sơn thủy được khắc họa dưới nét bút của tạo hóa, mang đến cảm giác vừa gần mà vừa xa, vừa hư lại vừa thực.
Một nơi nằm ngoài dự tính nhưng lại khiến chúng mình lưu luyến mãi không rời là xã Bình Thạnh. Nếu Ghềnh Son mang vẻ đẹp của thiên nhiên hoang sơ, độc đáo thì xã Bình Thạnh lại cho mình cảm giác về một làng quê yên bình, nơi dung hòa vẻ đẹp giữa cuộc sống bình dị của con người và khung cảnh mộc mạc, đơn sơ của làng chài ven biển La Gàn.
Những ngôi nhà cấp 4 giản dị nằm hướng ra biển, được những vạt nắng vàng soi bật ra khỏi nền trời xanh. Ngăn cách với mặt biển là bức tường trên đê chắn sóng thô ráp nhưng vững vàng, ngày đêm đương đầu với sóng gió. Phía sau là những cánh quạt điện gió từ nhà máy điện gió Phong Điện 1, phía trước là những đoàn thuyền, bè lần lượt ra khơi rồi lại vào bờ ở làng chài Tuy Phong. Chúng mình ghé qua một quán cafe võng tại xã để nghỉ ngơi, gọi một ly cafe sữa, nằm nghe gió dìu dịu thổi qua làm đung đưa hàng dừa xanh, lao xao cả một vùng quê yên tĩnh.
Cuối cùng, chúng mình đón bình minh ở bãi đá Cổ Thạch vào sáng hôm sau trước khi nói lời tạm biệt với Phan Rí Cửa. Giữa năm, bãi đá không còn phủ rêu xanh như thời điểm sau Tết mà thay bằng màu nâu hồng khi những tia nắng sớm chầm chậm rải xuống. Những tảng đá to nhỏ đủ hình hài nằm xếp chồng ngang dọc tạo nên một khối cấu trúc phức tạp. Mỗi đợt sóng đánh vào, chỗ thì văng tung tóe, khi lại chìm nghỉm khuất sau những khe đá lớn.
Người dân tại đây đã có mặt từ rất sớm. Họ đến tập thể dục, ngồi thiền và hít thở không khí trong lành hoặc xuống tắm biển để bắt đầu một ngày mới sảng khoái. Đối với chúng mình, Phan Rí Cửa là địa điểm lý tưởng để chúng tôi thưởng thức cuộc sống và khung cảnh bình lặng của một thị trấn ven biển, nơi vẫn còn giữ được vẻ hoang sơ và nhịp sống thường nhật chưa bị ảnh hưởng bởi các hoạt động du lịch quá nhiều.
Vậy là chuyến hành trình của chúng mình kết thúc khi vẫn còn nhiều nuối tiếc, nhiều nơi chưa kịp đến, nhiều khung cảnh chưa kịp ghi lại. Mới chỉ hơn 200km đường ven biển đã có nhiều cảnh đẹp say lòng đến vậy, hơn 3000km đường bờ biển còn lại còn ẩn chứa những cảnh sắc thơ mộng, kỳ vĩ nào khác? Những món quà mà thiên nhiên ban tặng cho Việt Nam, chúng mình không thể từ chối, và sẽ chậm rãi đón nhận trên từng cung đường trong tương lai.