Tranh vẽ hồn quê, hoa nở từ giấy trên mảnh đất cố đô
Bên dòng Hương lặng lẽ như một dải lụa xưa, hai làng nghề truyền thống - hoa giấy Thanh Tiên và tranh làng Sình cùng chung mảnh đất Phú Mậu, như hai nhánh nhớ thương từ một mạch nguồn văn hóa cố đô. Cùng làm từ giấy, một bên là tranh mộc mạc như đất quê, một bên là hoa rực rỡ như trời xuân, lưu giữ hồn Huế bằng những nét vẽ, cánh hoa mang âm sắc thời gian.
Những bông hoa bất tử tại làng nghề Thanh Tiên
Dòng sông Hương lững lờ trôi trong một chiều nắng vàng, những cánh hoa giấy làng Thanh Tiên ngả bóng nơi góc nhà những nghệ nhân ngày ngày cần mẫn giữ nghề truyền thống. Người dân nơi đây còn lưu truyền câu ca dao: “Xanh xanh đỏ đỏ vàng vàng. Cứ đến tháng Chạp cả làng làm hoa”. Ra đời trong những căn nhà đơn sơ bên cánh đồng lúa xanh ở làng Thanh Tiên, những bông hoa giấy tươi sắc vẹn nguyên, nở rộ suốt bốn mùa bất kể mưa nắng.


Hoa giấy làng Thanh Tiên đã tồn tại gần 400 năm, từ thời vua Gia Long thu giang sơn về một mối. Nhân lễ Thượng tuần, nhà vua ban chiếu mỗi trấn đem về kinh thành một loài hoa quý. Trong triều đình có một vị quan người làng Thanh Tiên làm ở Bộ Lễ chức Tả Hữu Đồng Nghị, dâng lên nhà vua một loài hoa ngũ sắc với ý nghĩa Tam Cương - Ngũ Thường: “Ba cành hoa ở giữa tượng trưng cho Trung - Hiếu - Nghĩa. Bông hoa to nhất (màu vàng hoặc đỏ) tượng trưng cho đấng minh quân, 5 bông hoa hai bên tượng trưng cho Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín.

Với ý nghĩa sâu sắc, hoa giấy Thanh Tiên trở thành vật trang trí gắn với tín ngưỡng thờ cúng của người Huế, trước là dâng cúng thần linh, tổ tiên ông bà tại các đình, đền, chùa, miếu, trang, am thờ, sau là trang hoàng nhà cửa. Mỗi năm, vào dịp lễ tế Nam Giao, triều đình đặt hàng ngàn bông sen trắng và hồng của làng Thanh Tiên để trang hoàng trên đàn tế trong những ngày đại lễ. Đến nay, hoa sen giấy Thanh Tiên đã có tuổi đời hơn 130 năm.


Câu chuyện về hoa giấy Thanh Tiên gợi mở lại một quá khứ sống động qua chất giọng trầm ấm của nghệ nhân Nguyễn Hữu Hùng, người dành riêng một gian phòng để trưng bày các loại hoa giấy làng Thanh Tiên làm từ xưa đến nay. Những bông sen, lan, huệ, hồng, cúc, dã quỳ, tường vi đa sắc, nở rộ khiến gian phòng sáng đầy sức sống nhưng lại thoáng nét cũ xưa.


Ông kể, hoa giấy Thanh Tiên sử dụng những nguyên liệu sẵn có ở địa phương, dựa vào sự tỉ mỉ trong đôi tay quanh năm quen làm nông, cày cuốc ruộng đồng mà thành hình. Từ những ngày hè nắng gắt, người ta đã đi đốn tre, chẻ, vót, phơi khô chờ đến Tết để làm hoa. Từ xa xưa, không có hóa chất công nghiệp, người ta dùng nhựa và lá cây để tạo ra thuốc nhuộm giấy. Họ hơn nhau ở chỗ ai giữ được cho hoa giấy màu sắc lâu bền. Ngày nay, hầu hết các hộ gia đình đều chuyển sang làm giấy màu, sắc hoa cứ vậy mà tươi bền quanh năm suốt tháng.

Để tạo các loài hoa khác nhau, các nghệ nhân dùng đục sắt để đục giấy màu trên các khuôn hoa bằng gỗ, sau đó dùng dây cước để tạo nếp gấp, đường nét rồi dán nhụy hoa, ghép vào cuống. Ông đưa đôi tay nhăn nheo, chai sạn những vết thời gian, khéo léo cuộn cước, đục giấy, vắn viền, thành thục nắn nên hình hài của một bông hoa giấy.

Những màu sắc rực rỡ mà giản dị đó không chỉ làm đẹp thêm cho phong vị tâm linh, còn tô thêm nét độc đáo của văn hóa Huế. Năm 2013, làng nghề hoa giấy Thanh Tiên, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thành phố Huế được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là làng nghề truyền thống.


Ngày nay, hoa giấy Thanh Tiên xuất hiện trong nhiều sự kiện văn hóa - du lịch như lưu giữ lại một phần hồn Huế xưa. Mỗi khi có dịp, những cây hoa giấy lại được vận chuyển từ làng Thanh Tiên đi muôn nẻo đường. Tả ngạn sông Hương văng vẳng câu thơ: “Ai làm gợn sóng sông Hương? Ai làm hoa giấy miên trường sắc xuân…”.

Tranh làng Sình - kết tinh hội họa dân gian của vùng đất cố đô
Xuôi về hạ lưu con sông Hương ở xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, làng Lại Ân có tên Nôm là Sình, được biết đến như là một làng văn vật của đất cố đô và nổi tiếng với nghề làm tranh dân gian phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân xứ Huế đã hơn nửa thiên niên kỷ.

Nằm cuối con ngõ nhỏ dẫn ra sông, một góc nhà ánh lên dưới nắng chiều, treo đầy những bức tranh mộc mạc với những cái tên hết sức giản dị: Đi cấy, Thời vụ, Côn Trùng, Trò chơi dân gian hay 12 con giáp. Đó là nơi làm việc và trưng bày những tác phẩm của ông Kỳ Hữu Phước - nghệ nhân duy nhất giữ nghề làm tranh mộc bản làng Sình.

Nằm nghỉ ngơi trên chiếc ghế đẩu sau khi làm tranh, người nghệ nhân lặng lẽ nhìn xa xăm như để tâm trí trôi về miền ký ức từ rất xưa trong khi cất giọng đều đều: “Trước đây, tranh làng Sình có nhiều đặc điểm giống với dòng tranh Đông Hồ. Về sau, các nghệ nhân đã sáng tạo ra những bản khắc hình vẽ khác để phù hợp với nhu cầu tín ngưỡng trong các lễ cầu an, giải hạn. Bởi vậy tranh làng Sình mới nổi danh là dòng tranh thờ cúng”.
Nhưng vượt lên tín ngưỡng dân gian và yếu tố thờ cúng, mỗi bức tranh còn chứa đựng một lối sống, một nếp nghĩ của người dân xứ Huế. Từ đường nét, màu sắc đến bố cục đều phản ánh thái độ của con người với thiên nhiên, với xã hội, với văn hóa quê hương.

Là hậu duệ đời thứ chín trong một dòng họ làm tranh dân gian làng Sình, nghệ nhân Kỳ Hữu Phước được xem là người cuối cùng còn nắm giữ kỹ thuật làm giấy thủ công và công thức pha chế màu cổ truyền.
Ông kể, giấy để in tranh phải làm từ vỏ cây dó - loại giấy mỏng nhưng dai, rồi đem phủ thêm một lớp từ vỏ sò, vỏ điệp của phá Tam Giang giã nhuyễn để tạo nền óng ánh, mịn màng. Màu vẽ được pha từ khoáng chất, đất màu, lá cây: đỏ từ lá bàng, đen từ tro rơm, tím từ hạt mồng tơi, vàng từ lá đung và hoa hòe, còn sắc trắng đục ánh ngọc lại được chế biến kỳ công từ con sò, con điệp biển. Thứ gì cũng từ tự nhiên mà ra, nên tranh giữ được vẻ mộc mạc và bền theo thời gian.

Mỗi bức tranh làng Sình đều bắt đầu từ một bản khắc gỗ, dùng mực đen phết đều lên mặt ván rồi in lên giấy để tạo thành hình thô. Tranh sau khi in phải đợi ngày nắng hoặc trời hanh mới đem ra phơi, để mực khô hẳn rồi mới bắt đầu tô màu.


Điều làm nên khác biệt của tranh làng Sình so với các dòng tranh dân gian khác chính là nét vẽ mộc mạc, bố cục hồn nhiên, không cầu kỳ mà đậm chất làng quê. Khi tạo hình, mộc bản chỉ dùng để in đường nét chính, thường là màu tím chàm như một khung nền ban đầu. Còn lại, toàn bộ màu sắc trên tranh đều do nghệ nhân vẽ tay. Vì thế, nếu tranh đơn giản thì một người có thể làm trọn trong thời gian ngắn, nhưng với tranh cầu kỳ, nhiều chi tiết, ông thường ngồi cặm cụi vẽ màu rất lâu, có thể từ trưa đến khi ráng chiều ngả vàng rồi khuất nắng.

Màu sắc của tranh làng Sình cũng rất riêng, có sự hòa sắc gần giống với tranh pháp lam trên kiến trúc cung đình Huế: chàm đi với vàng, đỏ đi với bích ngọc, xanh lá ghép cùng hổ phách. Những cặp màu ấy vừa tương phản, vừa nâng nhau lên, tạo nên vẻ trang nhã mà vẫn rực rỡ. “Làm tranh cũng như sống, phải có nhịp điệu, có thứ tự, mà quan trọng nhất là giữ được cái hồn”, ông cười nói.


Mỗi mảng màu đều có vị trí cố định, không lẫn lộn. Tranh làng Sình đa dạng hệ thống các chủ đề khác nhau, có thể chia thành ba nhóm chính: tranh nhân vật, tranh súc vật và tranh đồ vật. Những năm gần đây, để phù hợp thị hiếu, nghệ nhân bắt đầu làm thêm dòng tranh mới như tranh bát âm (mô tả nhạc cụ) hay tranh hội vật (mô tả các thế vật) giàu tính biểu cảm, được nhiều du khách yêu thích. Hiện nay, nghệ nhân Kỳ Hữu Phước đã phát triển 5 dòng tranh gồm: tranh trang trí, tranh lưu niệm, tranh thờ cúng (bát âm), tranh trò chơi và tranh 12 con giáp.

Từ xưa, tranh làng Sình có thể sánh vai cùng các dòng tranh danh tiếng đất Kinh Bắc như Đông Hồ, Kim Hoàng hay Hàng Trống. Dù đã trải qua hàng trăm năm, tranh làng Sình vẫn giữ được bản sắc riêng: từ lối vẽ, cách pha màu đến tinh thần mộc mạc của người thợ. Với ông Phước, đó không chỉ là một nghề, mà còn là cách để dòng tranh dân gian này khẳng định vị trí kiên cố trong nền mỹ thuật Việt Nam.