Chinh phục Bidoup, “mái nhà Tây Nguyên”
Đối với các tín đồ đam mê trekking thì Bidoup 2287m – “Mái Nhà Tây Nguyên” là một cung đủ để thỏa sức trải nghiệm. Còn đối với tôi, đây là một chuyến đi rèn luyện thể lực và ý chí, nhưng cũng không thiếu những giây phút lãng mạn khi đi trong rừng thông đầy nắng và gió.
Chuyến đi này, đoàn chúng tôi gồm những người có kinh nghiệm và người mới đi cùng để hỗ trợ lẫn nhau. Vì phải mang theo đồ cắm trại lại nên chúng tôi có thêm một vài porter đi cùng.
Sau khi chụp vài bức ảnh chung, chúng tôi xuất phát đi bộ 7km giữa rừng lá kim và băng qua rẫy ngô của người dân. Những km đầu tiên khá dễ chịu, đường không quá dốc. Chúng tôi được trải nghiệm đi phà qua sông Đa Nhim với công nghệ thân thiện với môi trường, sử dụng động cơ chạy bằng… sức người.
Khi đến trạm kiểm lâm Bidoup, chúng tôi dừng ăn trưa và nghỉ ngơi. Gần đấy có một con suối tự nhiên, chúng tôi xuýt xoa cởi giày lội xuống và rửa mặt dưới dòng nước mát lạnh. Một anh kiểm lâm quyết định đi theo đoàn chúng tôi để hỗ trợ. Anh là một trong những người thầm lặng gắn chặt cuộc sống với rừng già, ngày qua ngày không ngừng tuyên truyền ý thức bảo vệ rừng.
Đi tiếp một đoạn khoảng 3km, chúng tôi đến đoạn khó nhất của cung đường trekking. Trước mắt tôi là những đoạn dốc cao ngút tầm mắt. Đoàn cũng dần tách làm hai nhóm riêng biệt, nhóm dẫn đầu thể lực tốt và nhóm còn lại không quan tâm lắm đến tốc độ mà chỉ tập trung nhiều đến nhịp thở. Nhóm đi trước dùng những miếng vải có màu đỏ để buộc lên cành cây làm dấu hiệu cho đoàn đi sau.
Độ cao làm tim bạn đập nhanh như lần đầu say nắng ai đó, cộng thêm càng lên cao không khí càng loãng. Khi chỉ còn 1km nữa là đến điểm cắm trại thì đôi chân như muốn đình công. Bù lại đoạn đường này khá đẹp. Tôi dừng lại lau mồ hôi và ngẩn ngơ nhìn hoàng hôn dát vàng trên từng tán lá. Ngày đầu tiên đối với tôi như vậy là đã quá sức.
Điểm cắm trại nằm ở độ cao 2000m, nơi chuyển giao giữa rừng thông và rừng thường xanh. Chúng tôi ngủ lại ở đây một đêm. Ở đây có nguồn nước sạch, nhà vệ sinh. Sau khi tắm rửa, chúng tôi phụ giúp các anh porter chuẩn bị bữa tối, nào là thịt heo nướng, thịt vịt nướng, salad rau trộn với một loại gia vị bí mật khiến chúng cực kỳ thơm và bắt miệng, một nồi cháo gà to tổ chảng và mấy chai rượu nhà ủ. Bữa tối ấm cúng trong lều cực kỳ ngon miệng và vui vẻ. Ai cũng ăn một cách ngon lành, miếng nào to nhiều thịt thì gắp, chả ai ngại ngùng. Có lẽ trong hoàn cảnh này, ăn mà ngại chỉ có hại bao tử mà thôi.
Sát điểm cắm trại có cây cổ thụ rất to nhưng đã bị đốn ngã. Khi đêm xuống, cả nhóm ùa ra nằm ngửa trên thân cây, ngắm trăng tròn giữa tháng to như cái đấu soi sáng màn đêm đặc quánh.
Nhiệt độ giảm nhanh khi màn đêm buông xuống. Chúng tôi ai cũng chuẩn bị kỹ lưỡng đồ ấm, mũ, găng tay, tất, túi ngủ, trải cách nhiệt nhưng vẫn không thấm vào đâu so với cái lạnh nơi núi đồi. Nằm trong lều, có thể cảm nhận được bên ngoài tiếng gió rít qua ngọn thông đi kèm với cái lạnh đến tê tái.
Xuyên qua rừng thường xanh rậm rạp để đến đỉnh Bidoup
Buổi sáng trong rừng, những ray nắng xuyên qua tán thông xanh. Ai cũng dậy sớm để tranh thủ tập thể dục, làm vệ sinh và ăn sáng.
Khăn gói hành lý, chúng tôi đi tiếp 3km trong rừng thường xanh ẩm ướt để lên đỉnh Bidoup. Đoạn đường này nổi tiếng là thiên đường của vắt vì độ ẩm cao. Ai cũng thủ sẵn trong mình thuốc bôi chống vắt quanh cổ giày, một vớ dài bên trong và một vớ bên ngoài kéo cao hơn lai quần. Chúng tôi cũng được hướng dẫn không đứng ngồi lâu một chỗ, nhất là những chỗ rậm rạp để tránh vắt.
Đi tầm 15 phút, trước mắt chúng tôi đã là đỉnh Bidoup - “Mái nhà Tây Nguyên”, nóc nhà của tỉnh Lâm Đồng ở cột mốc 2.287 mét. Sau khi tạo đủ kiểu ảnh trên đỉnh Bidoup, cả đoàn nhổ neo quay trở về.
Có những đoạn dốc đứng phải đu dây xuống, đoàn của tôi không giỏi lắm khi leo lên nhưng cực kỳ bản lĩnh khi đổ dốc. Được một nửa chặng đường, chúng tôi nghỉ ngơi và ăn trưa giữa rừng, cạnh một con suối. Sau một hồi tán dóc, chúng tôi nhổ neo để đi một mạch về trạm K’long K’lanh, kết thúc hành trình. Nhưng đoạn kết của chuyến đi lại thêm phần kịch tính khi có cơn mưa rừng đổ xuống bất chợt, khiến con đường đi vốn đã nhỏ hẹp lại bị nước mưa hóa bùn đất, bên bồi bên lở khiến cả đoàn ai cũng vấp té trượt chân. Cảm giác được tắm mưa trong rừng đối với tôi rất phấn khích, mưa đến nhanh và cũng hết rất nhanh. Thú vị nhất có thể kể đến nữa là trải nghiệm đi xuyên qua rễ cây Pơ Mu 1300 tuổi y hệt như trong truyện cổ tích.
Điểm lời nhất của chuyến đi là tận mắt chiêm ngưỡng hệ động thực vật quý của khu rừng. Nơi đây hội tụ các kiểu rừng kín thường xanh, rừng thưa cây lá kim, rừng lùn đỉnh núi. Hệ sinh thái Bidoup còn nguyên sơ và được bảo toàn cực kỳ tốt và hầu như không hề có dấu tích của rác thải hay việc khai thác trái phép.
Chuyến đi Bidoup lần này là lần đầu của những trải nghiệm tưởng chừng không thể vượt qua, là phá bỏ giới hạn bản thân. Nói sao cho ngầu đây, cuối cùng thì tôi đã cán đích mái nhà Tây Nguyên, hoàn thành chặng đường là Bidoup (2.287 mét, đỉnh cao nhất Lâm Đồng) trong vòng 2 ngày 1 đêm.