Mang Thít, làng gạch miền Tây bên bờ sông Cổ Chiên
Làng nghề gạch, gốm huyện Mang Thít tồn tại khoảng 100 năm, nhìn từ xa trông như những tòa tháp cổ lâu đời trầm mặc bên dòng Cổ Chiên.
Được biết đến là nơi sản xuất gạch, gốm đỏ nổi tiếng và lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, làng nghề làm gạch nung ở huyện Mang Thít đến nay đã hơn 100 năm tuổi.
Làng gạch Mang Thít có khởi nguồn vào đầu thế kỷ XIX ở phía nam sông Cổ Chiên, huyện Mang Thít. Đến giữa thế kỷ XX, toàn tỉnh có 39 lò hoạt động sản xuất gạch, ngói nung.
Thời hoàng kim của làng nghề là vào đầu thế kỷ XXI với khoảng 3000 miệng lò hoạt động trải dài 30km trên địa bàn thành phố Vĩnh Long, huyện Long Hồ và huyện Mang Thít.
Hiện làng còn khoảng 850 lò gạch trên diện tích 3.000ha, tập trung nhiều nhất ở ven kênh Thầy Cai đến đoạn giáp sông Cổ Chiên - một nhánh sông Cửu Long.
Mỗi nhà thường có 2-5 lò gạch. Một lò gạch thường cao 7m - 12m, được xây dựng từ hàng nghìn viên gạch thẻ đều tăm tắp, xếp theo kiến trúc tháp tròn, nhỏ dần ở đỉnh. Trung bình để xây một lò gạch cần hơn 30.000 viên gạch thẻ.
Quy trình làm gạch bắt đầu từ công đoạn lấy đất sét từ các kênh, rạch ở Vĩnh Long, Trà Vinh đưa về lò, sau đó dùng máy tạo khuôn, cắt nhỏ thành viên, phơi nắng để hay hơi nước rồi mới đưa vào lò nung. Trên mỗi viên đều in thông tin về làng nghề gạch ngói đương đại Mang Thít - Vĩnh Long.
Gạch phơi khô được công nhân vận chuyển, xếp vào lò nung. Mỗi lò có thể chứa khoảng 15.000 viên, nung trong 20 ngày cho ra thành phẩm. Công nhân dùng tro trấu để nung gạch giúp tiết kiệm chi phí, nguyên liệu. Gạch sau khi nung sẽ tiếp tục được hoàn thiện các công đoạn để đưa đi tiêu thụ.
Sau năm 2000, nghề nung gạch ở Mang Thít dần đi xuống do chi phí sản xuất cao, công nghệ lạc hậu, thói quen người dùng thay đổi. Nhiều nhà phá bỏ lò gạch để làm việc khác. Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã có hơn 1.250 lò gạch gốm bị phá dỡ. Một số lò được giữ lại nhưng không hoạt động, theo thời gian cây cỏ bám đầy, phủ kín rêu phong, trở thành điểm check in của nhiều du khách trẻ.
Với vẻ đẹp độc đáo đặc trưng và vẻ ngoài rêu phong mang dấu ấn thời gian đầy hoài niệm, những lò gạch cũ ở Mang Thít dần trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội nhờ những bức ảnh check in vibe cổ kính.
Qua đó, một số lò gốm ở Mang Thít đã mở cửa cho khách du lịch tới tham quan, tìm hiểu về văn hóa làng nghề truyền thống và trải nghiệm các công đoạn làm gốm. Để phục vụ du lịch, các cơ sở cũng đã thay đổi mẫu mã sản phẩm để tạo nên sự đa dạng, thu hút. Ngoài gạch, lu truyền thống, các loại gốm nhiều hình dáng, gốm trang trí ra đời, đáp ứng nhu cầu thị trường và làm quà lưu niệm cho khách tham quan.
Để tìm hướng phát triển cho làng nghề đang dần bị mai một, tháng 11/2024, tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt đề án quy hoạch các khu lò gạch, gốm trên địa bàn các xã Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú, Hòa Tịnh (huyện Mang Thít) thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh. Chính sách này được kỳ vọng sẽ hồi sinh và lan tỏa làng nghề gạch gốm hơn 100 tuổi thành biểu tượng mới trong chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống sang kinh tế dịch vụ, sáng tạo, có giá trị gia tăng cao.