Những món ẩm thực đường phố làm nên tên tuổi của food tour Hải Phòng
Không chi được biết đến là thành phố hoa phượng đỏ, Hải Phòng còn nổi danh với du khách ngoại tỉnh qua trào lưu food tour. Ở thành phố cảng, du khách không cần đến những nhà hàng sang trọng, đắt đỏ, không cần phải chi những khoản tiền lớn cho một bữa ăn, chỉ cần dừng xe trước một quán ăn ven đường hay nằm lọt trong con ngõ nhỏ, order bằng miệng và chờ đợi để thưởng thức “mỹ vị nhân gian” mà nhiều người đã từng kiểm nghiệm và chứng nhận. Hãy dạo qua một vòng hàng quán nằm trong danh sách Bản đồ ẩm thực Hải Phòng do Sở Du lịch Hải Phòng gợi ý dưới đây.
Bánh đa cua
Nằm trong top 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận, bánh đa cua là món ăn signature của thành phố cảng Hải Phòng. Đến cả Taste Atlas, trang web ẩm thực nổi tiếng và uy tín thế giới cũng đánh giá "Red noodle soup" (bánh đa cua) là một trong 8 món ăn có nước ngon nhất miền Bắc Việt Nam.
Tiền thân của món bánh đa cua xuất hiện từ thế kỷ 10 và được người dân sáng tạo thêm nguyên liệu, thay đổi cách làm để trở thành món ăn đặc sản như ngày nay. Từ nhà hàng sang trọng đến những quán bình dân, theo chân các gánh quà từ mùa đông sang mùa hè, bánh đa cua là món ăn thể hiện rõ nhất những tinh túy của ẩm thực Hải Phòng và trở thành niềm tự hào của người dân thành phố cảng. Một trong những quán bánh đa cua được nhắc tên trong Bản đồ Ẩm thực Hải Phòng là quán Bánh đa cua bề bề của bà Nguyễn Thị Thanh Thủy (56 tuổi) nằm trong con ngõ rộng khoảng 1,5m, dài gần 10m ở số 195 phố Cầu Đất, quận Ngô Quyền. Quán mở bán từ 7 - 24h hàng ngày với mức giá 50.000 đồng/bát.
Vẫn sợi bánh đa đỏ, vẫn những loại hải sản quen thuộc, nhưng thay vì nước dùng và gạch cua béo ngậy, thực khách sẽ cảm nhận được vị ngọt của thịt hải sản, vị mặn của biển. Trên cùng bát bánh đa cua bề bề là thịt cua màu vàng có vị ngọt và một chút vị mặn. Phía dưới là những sợi bánh đa thấm nước dùng, mềm, trơn nhưng vẫn giữ được độ dai do sợi bản to và dày, không bị nhũn và đứt, gãy khi gắp. Dưới cùng là lớp rau muống xanh cọng to luộc sơ, mềm ở phần lá và giòn ở phần thân.
Bánh mì cay
Bánh mì cay, hay còn được gọi là bánh mì que, là một thức quà ăn vặt nổi tiếng và đặc trưng của Thành phố Cảng. Một trong những nơi bán bánh mì cay nổi tiếng và lâu đời nhất Hải Phòng là quán Bánh mì cay Bà Già, nằm ở số 57A đường Lê Lợi, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng, có tuổi đời hơn 20 năm, mở bán từ 6h đến 20h hàng ngày.
Bánh mì cay có kích thước nhỏ hơn bánh mì thường, bề ngang to bằng khoảng hai đầu ngón tay, dài khoảng một gang tay. Thứ làm nên thương hiệu cho món bánh mì cay là pate được chủ quán tự chế biến tại xưởng gia đình theo công thức gia truyền. Sau khi dùng dao rạch dọc theo chiều dài bánh mì, phết pate vào giữa, ăn cùng “chí chương” - loại tương ớt đặc trưng chỉ có ở Hải Phòng, có độ sánh nhẹ, màu đỏ tươi hoặc đỏ cam, thơm, đậm vị, không thuần vị cay như tương ớt bình thường mà pha thêm một chút vị chua nhẹ. Vỏ bánh mì giòn rụm, vị cay và chua nhẹ của chí chương quyện với lớp pate nhuyễn mịn, mặn, ngậy ở giữa tạo nên hương vị đặc biệt.
Một chiếc bánh mì cay có giá 3.000 đồng, thực khách thường sẽ gọi theo số chẵn như 5, 10 chiếc. Ngoài bánh mì cay, quán cũng bán thêm một số loại nước uống như chè thái, trà tắc với giá cả từ 5.000 - 15.000 đồng.
Bún cá cay
Mở bán gần 3 năm, quán bún cá cay Cậu Đoành được Sở Du lịch gợi ý là một trong những điểm đến hấp dẫn trong hành trình food tour tại thành phố. Quán thuộc sở hữu của anh Phạm Văn Dũng, đầu bếp 20 năm kinh nghiệm và hiện là Phó Chủ tịch Hội Đầu bếp chuyên nghiệp Hải Phòng. Địa chỉ ở số 151 Hồ Sen, trong khu phố ẩm thực thuộc quận Lê Chân, mở cửa từ 6h - 14h và 17h - 21h30, có không gian trong nhà và ngoài trời với tổng diện tích 70 m2.
Thay vì bún cá truyền thống chỉ với chả và cá rán, bún cá cay có cả cá biển như cá thu, cá bò và cá đồng như cá rô, nuôi trong các đầm nước lợ ở Quý Kim, quận Đồ Sơn, Hải Phòng. Tổng cộng có đến 7 loại topping trong một bát bún (trứng cá, lòng dồi, dạ dày cá, cá thu, cá bò, chả cá và cá rô) kết hợp với nước dùng nấu từ xương ống và xương cá, thêm một số loại hải sản khô để tạo nên vị ngọt, như sá sùng, thỏa mãn cả phần ăn và phần nhìn. Điểm đặc biệt của bún cá cay Hải Phòng là không dùng ớt mà sử dụng cá thu sốt cay để tạo vị cay; không dùng chanh, quất mà sử dụng nước me để tạo vị chua nhẹ, dịu cho nước dùng, nhờ vậy thực khách có thể dễ dàng điều chỉnh theo khẩu vị.
Bún cá cay ăn kèm rau sống thái nhỏ, ớt tươi, ớt chưng hoặc sa tế. Một bát bún với đầy đủ topping giá 50.000 đồng, bát thường có giá 30.000 đồng.
Sủi dìn
Mặc dù có tên gọi lạ lẫm với người ngoại tỉnh, sủi dìn lại là thức quà quen thuộc của người Hải Phòng có nguồn gốc từ cộng đồng người Hoa từng sinh sống tại đây. Sủi dìn hiện phổ biến và bán quanh năm trên những tuyến đường nội thành, nổi tiếng nhất là Sủi dìn cô Út ở phố Cầu Đất, quận Ngô Quyền, một trong những quán có tên trong bản đồ ẩm thực của thành phố. Bà Nguyễn Thị Út, chủ quán đã mở bán tại đây hơn 10 năm, khung giờ từ 15h đến 23h hằng ngày.
Theo bà Út, sủi dìn gần giống như bánh trôi, làm từ bột nếp, bên trong có nhân mè đen và lạc, ăn với nước mật. Vỏ bánh làm bằng loại gạo nếp thơm, to tròn, đều. Trước khi xay bột, gạo được ngâm trong nước muối một ngày, thay nước khoảng 2 - 3 lần để tránh bị chua rồi mới xay thành bột nước, để lắng, hút ẩm. Thành phẩm là loại bột khô trắng, mịn, mang đi trộn với nước theo tỷ để nặn vỏ bánh. Nhân bánh làm từ vừng đen, lạc rang giã nát và cùi dừa nạo, sên nhẹ tay trên chảo bằng lửa nhỏ.
Sủi dìn nặn xong cũng giống bánh trôi tàu, với vỏ bánh được dàn đều, nhân được cho vào giữa rồi gói khít các góc cạnh để khi thả vào nồi nước bánh không bị vỡ. Kích thước của viên sủi dìn bằng khoảng 2/3 viên bánh trôi tàu ở Hà Nội.
Sủi dìn luộc chín được ăn chung với nước mật mía nấu màu cánh gián, bỏ thêm gừng thái sợi. Nước dùng sánh nhẹ, ngọt nhưng không gắt và đậm vị cay nồng của gừng. Một bát sủi dìn có 4-5 viên bánh chan nước đường, bên trên rắc thêm dừa, lạc rang, vừng đen và một ít gừng sợi, bán với giá 15.000 đồng.
Giữa tiết trời lạnh giá của miền Bắc những ngày cuối năm, hơi nóng và vị cay nồng của gừng giúp tăng thân nhiệt. Vì vậy, dù là thức quà vặt thân quen và được bày bán quanh năm, song sủi dìn sẽ ngon hơn khi thưởng thức vào mùa đông.
Cháo cay
Nếu Hà Nội có cháo sườn thì Hải Phòng có cháo cay lừng danh với hình thức hấp dẫn và hương vị gây ấn tượng mạnh. Bất kể đông hay hè, khi thưởng thức cháo cay, bạn sẽ không tránh khỏi tình trạng toát mồ hôi vì loại ớt xào siêu cay được đặc chế riêng cho món cháo này. Đây cũng là điểm hấp dẫn làm nên tên tuổi của món cháo cay Hải Phòng.
Cháo cay được nấu từ bột gạo xay nhuyễn và nước dùng được hầm cùng xương ăn kèm ruốc thịt, hành khô, rau thơm, ớt xào và quẩy. Sau này, người dân kết hợp thêm một số loại thịt như sườn, lươn, thịt trai sông xào với mộc nhĩ để tạo nên món ăn đa dạng hương vị như ngày nay.
Đến Hải Phòng, bạn nên thử trải nghiệm ăn cháo cay tại quán ăn lâu đời nằm ở số 17 Trần Bình Trọng, quận Ngô Quyền, mở cửa từ 16h đến 21h hàng ngày. Không chỉ có tên trong bản đồ ẩm thực Hải Phòng, đây còn nổi tiếng là “quán ruột” của nhiều thế hệ người dân địa phương, đặc biệt là học sinh, sinh viên với mức giá phải chăng, từ 15.000 - 25.000 đồng/bát.
Cháo cay Trần Bình Trọng mang hương vị giản dị và đặc trưng của món cháo cay gốc. Bát cháo sánh mịn, có vị ngọt thơm từ sườn ninh hòa cùng vị béo ngậy, giàu đạm từ lươn, tôm và hương thơm nức mũi của hành phi, rau răm. Trước khi thưởng thức, đừng quên cho thêm một thìa ớt xào cay nồng, rắc thêm chút hạt tiêu và trộn đều với lớp bột gạo đặc quánh mịn màng. Sau đó, hãy cảm nhận vị cay chậm rãi lan tỏa khắp cơ thể.
Ốc
Sẽ thật thiếu sót nếu đến Hải Phòng mà không thưởng thức các loại ốc, từ ốc biển đến ốc nước ngọt được bày bán trên khắp các tuyến đường từ trung tâm thành phố đến các huyện ngoại thành. Sở hữu 7 cơ sở trải rộng khu vực miền Bắc, quán ốc Thùy Linh nằm ở địa chỉ số 96 đường 208, phường An Đồng, quận An Dương là một trong những quán ốc nổi tiếng nhất thành phố cảng. Thời gian mở cửa phục vụ từ 14h – 22h30.
Quán phục vụ thực khách các món ốc tươi ngon và đa dạng như ốc bươu, ốc hương, ốc móng tay, ốc giác, sò điệp, hàu, ghẹ, tôm. Từ những món ốc hấp, xào, rang, nướng cho đến những món ốc kết hợp các loại nước sốt chế biến theo cách riêng để mang đến hương vị thơm ngon và phù hợp nhất với từng nguyên liệu.
Bạn có thể thưởng thức những món ốc phổ biến như ốc móng tay xào sả ớt, ốc hương nướng mỡ hành, ốc giác hấp xả, ốc tàu hũ muối ớt hoặc thử những món ốc độc đáo như ốc bào sốt me, ốc bưu điện xào mỡ hành, ốc bông bơ tỏi, ghẹ rang muối, sò điệp nướng mỡ hành, tôm hùm hấp bia để tận hưởng hương vị biển ngon lành và độc đáo.
Trà cúc
Mỗi tỉnh thành có một loại thức uống đặc trưng: trà đá Hà Nội, trà chanh Sài Gòn và trà cúc Hải Phòng. Không biết từ khi nào, uống trà cúc đã trở thành một thói quen của người dân thành phố cảng, bất kể sáng hay tối. Tại đất cảng, món trà này được ưa chuộng hơn cả cà phê. Thậm chí có hẳn một con đường được mệnh danh là phố trà cúc, phố Phan Bội Châu, quận Hồng Bàng.
Ly trà cúc có màu vàng ngả nâu đậm, tỏa hương thơm phức, được nấu từ hoa cúc khuy vàng ủ nóng với trà mạn, quất, cam thảo và đường kính. Người không quen có thể thấy khó uống vào lần đầu tiên do vị đắng chát, song dần dần, hậu vị ngọt ngọt mát tự nhiên và hương thơm lan khắp miệng, càng uống càng đượm. Vì vậy, trà cúc được ví như tính cách người Hải Phòng, khi mới quen thì phóng khoáng, mạnh mẽ đến gay gắt, càng về sau lại càng thấm được sự nhiệt tình, nồng hậu.
Hàng trà cúc vàng đông khách nhất phố Phan Bội Châu là Trà cúc Vàng do bà Nguyễn Thị Côi mở bán từ năm 1989. 35 năm trước, quán bà Côi là địa chỉ bán trà cúc đầu tiên và duy nhất trên phố này. Quán mở cửa hàng ngày từ 7h tới 23h với hai loại trà nóng và lạnh đồng giá 25.000 đồng/cốc. Ngoài ra, quán còn bán thêm một số đồ ăn vặt như hạt hướng dương, hạt dẻ nóng, caramel… Uống trà cúc, ăn hạt dẻ nướng, cắn hạt hướng dương tí tách đã trở thành một đặc trưng của người dân Hải Phòng.
Ngoài những món kể tên, Hải Phòng cỏn nhiều món đặc sản nổi tiếng mà bạn khó lòng thưởng thức hết trong một thời gian ngắn như nem cua bể, sứa đỏ chấm bỗng, giá bể xào, dừa dầm, bánh đúc tàu, các loại hải sản nước ngọt và nước mặn tươi sống… Quả thực không khó hiểu khi ẩm thực Hải Phòng nổi tiếng khắp cả nước và food tour Hải Phòng trở thành một trào lưu mà ít có tỉnh thành nào bắt kịp.