Trải nghiệm du lịch cộng đồng 01: Nét đẹp chân phương đến từ những điều bình dị

Lưu trú trong những nếp nhà sàn truyền thống, trải nghiệm ẩm thực mang đậm phong vị dân dã, khám phá thiên nhiên với sự đồng hành của người dân địa phương là những trải nghiệm văn hóa bản địa mà nhiều du khách Việt đang hướng đến.

Sang Bui
Sang Bui
fb share
copy link

Tìm hiểu văn hóa bản địa của cộng đồng địa phương là một trong những động lực thôi thúc du khách đi du lịch trong 2024

Cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa độc đáo và đa dạng của 54 dân tộc anh em và lòng mến khách của người dân địa phương được coi là những thế mạnh giúp các điểm đến tại Việt Nam định hình và phát triển du lịch cộng đồng trong những năm gần đây. Du lịch cộng đồng (community-based tourism) có sự tham gia trực tiếp của cộng đồng địa phương trong các hoạt động cung cấp sản phẩm dịch vụ và cộng đồng hưởng lợi từ hoạt động du lịch cũng như có trách nhiệm bảo tồn tài nguyên du lịch tự nhiên, môi trường và văn hóa tại điểm đến. Du lịch cộng đồng tạo cơ hội để người lữ khách hòa mình vào các gia đình bản địa, kết nối trực tiếp với người dân thông qua việc tá túc tại nhà dân (homestay), trải nghiệm ẩm thực địa phương, tham gia các hoạt động khám phá thiên nhiên được hướng dẫn bởi người bản địa, thưởng thức các buổi trình diễn văn nghệ với những điệu múa và trang phục truyền thống, mua sắm những món quà lưu niệm, đặc sản địa phương. Trải nghiệm loại hình du lịch cộng đồng giúp du khách làm giàu thêm những trải nghiệm có giá trị cũng như gia tăng sự hiểu biết rõ nét và sâu sắc về văn hóa và con người tại điểm đến.

Trải nghiệm du lịch cộng đồng 01: Nét đẹp chân phương đến từ những điều bình dị
Du lịch cộng đồng tạo cơ hội để người lữ khách hòa mình vào các gia đình bản địa, kết nối trực tiếp với người dân thông qua việc tá túc tại nhà dân.

Loại hình du lịch cồng đồng đã tạo sức hút đối với du khách ở giai đoạn sau dịch Covid-19 khi nhiều người có xu hướng rời xa thành phố lớn đông đúc và ngột ngạt để tìm về những chốn làng quê yên ả với bầu không khí trong lành vừa để nghỉ dưỡng vừa để trải nghiệm văn hóa địa phương. Nghiên cứu Xu hướng du lịch 2024 của tập đoàn khách sạn Hilton đã khẳng định trải nghiệm và khám phá văn hóa bản địa trở thành lý do hàng đầu thôi thúc du khách đi du lịch trong năm 2024 với tỷ lệ lựa chọn 40%. Nghiên cứu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hòa mình vào văn hóa và đời sống của cộng đồng địa phương nhằm tìm hiểu văn hóa mới lạ. Đáng chú ý du khách trẻ Gen Z và Millennials dẫn đầu nhu cầu du lịch khám phá và tìm hiểu văn hóa bản địa với tỷ lệ lần lượt 42% và 44%.

Theo nghiên cứu “Du lịch Bền vững 2024” của Booking.com, 96% du khách toàn cầu cho biết đã thực hiện chuyến du lịch theo tour trọn gói nhằm khám phá những trải nghiệm văn hóa bản địa đích thực như một cách thực hành bền vững và tạo tác động tích cực đến cộng đồng và môi trường tại điểm đến. So với tỷ lệ 75% du khách dự định lựa chọn các trải nghiệm văn hóa bản địa đích thực trong năm 2023, tỷ lệ thực sự lựa chọn loại hình du lịch này trong năm 2024 cao hơn, đã cho thấy nhu cầu tìm hiểu văn hóa của cộng đồng địa phương của du khách trên toàn cầu ngày càng gia tăng. Thực tế này không chỉ tạo cơ hội để các nhà cung cấp dịch vụ, điểm đến đón đầu xu hướng du lịch trải nghiệm văn hóa địa phương mà còn đòi hỏi các bên cần nỗ lực thấu hiểu rõ nét thị hiếu và hành vi du lịch của phân khúc khách mang tính chuyên biệt này. 

Trải nghiệm du lịch cộng đồng 01: Nét đẹp chân phương đến từ những điều bình dị
Du khách trẻ Gen Z và Millennials dẫn đầu nhu cầu du lịch khám phá và tìm hiểu văn hóa bản địa với tỷ lệ lần lượt 42% và 44%.

Nghiên cứu “The State of Travel & Tourism 2024” của Mckinsey đã cho thấy phân khúc du khách ưa thích tìm kiếm các trải nghiệm văn hóa và đời sống chân phương (culture and authenticity seekers) trở thành một trong những xu hướng du lịch mới nổi trong năm 2024. Cụ thể, 18% du khách toàn cầu cho biết mục đích chuyến đi của họ là tìm kiếm trải nghiệm văn hóa và vẻ đẹp chân phương của người dân địa phương. Chân dung về thị hiếu và hành vi du lịch của nhóm khách tìm kiếm văn hóa bản địa đích thực cũng được phát họa khi họ thường chủ động trong việc tự lên kế hoạch và đặt dịch vụ với mức ngân sách cao, và thường chi trả hơn 150 USD mỗi ngày trong chuyến đi của họ. Thay vì lựa chọn các điểm đến nổi tiếng, nhóm khách này ưu tiên lựa chọn các điểm đến mới lạ ít người biết đến, ưa thích hoạt động tham quan và khám phá văn hóa, sẵn sàng chi tiêu mạnh tay cho các trải nghiệm du lịch và tận hưởng hành trình khám phá văn hóa dài ngày hơn so với khách du lịch đại chúng. 

Những yếu tố tạo nên bản sắc riêng và sự thành công cho du lịch cộng đồng tại Việt Nam

Du lịch cộng động ở Việt Nam đặc biệt vùng núi và nông thôn được đánh giá là có tiềm năng rất lớn để thu hút du khách nội địa và quốc tế. Tuy nhiên, thực tế rất ít làng du lịch cộng đồng tại Việt Nam có các sản phẩm, dịch vụ chỉnh chu và chất lượng và du lịch cộng đồng vẫn đang phát triển theo hướng tự phát. Điều này dẫn đến việc các điểm đến với các mô hình du lịch cộng đồng chỉ đón được dòng khách phổ thông, tây ba lô có mức chi tiêu rất hạn chế thay vì chú trọng tiếp cận các dòng khách quốc tế có mức chi tiêu trung – cao. Do đó, các điểm đến tại Việt Nam với những tiềm năng chưa được “đánh thức” cần nắm bắt những bí quyết xây dựng mô hình du lịch cộng đồng thành công dựa trên việc nghiên cứu kỹ lưỡng các mô hình du lịch cộng đồng đã tạo dấu ấn thương hiệu và thành công nhất định như làng Tân Hóa và làng Mai Hịch. 

Trải nghiệm du lịch cộng đồng 01: Nét đẹp chân phương đến từ những điều bình dị
Hiện tại, các mô hình du lịch cộng đồng phần lớn đón được dòng khách phổ thông, thay vì chú trọng tiếp cận các dòng khách quốc tế có mức chi tiêu trung – cao.

Theo những chia sẻ về bí quyết xây dựng du lịch cộng đồng thành công của chị Phí Linh Giang – PGS dự khuyết tại Đại học Aalborg ở Copenhagen, Giảng viên tại Đại học VinUNi và là ban cố vấn của mô hình Du lịch dựa vào cộng đồng tại Việt Nam (CBT Travel), để đạt được thành công về mặt kinh tế đồng thời hỗ trợ công tác bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống văn hóa – xã hội trong phát triển du lịch cộng đồng, các doanh nghiệp và người dân địa phương cần định hình sản phẩm mang đậm bản sắc riêng và đáp ứng các tiêu chí xây dựng và quy chuẩn vận hành các mô hình du lịch cộng đồng. Cụ thể, người dân cần đảm bảo môi trường quanh homestay sạch sẽ và gọn gàng, đặc biệt không gian nhà vệ sinh cần thoáng sạch; khu vực ăn uống và không gian ngủ nghỉ của homestay cần tách biệt; dịch vụ ăn uống cần được đa dạng hóa với nhiều loại thực phẩm, đảm bảo hợp khẩu vị và có các món ăn đặc sản theo mùa tại địa phương. 

Trải nghiệm du lịch cộng đồng 01: Nét đẹp chân phương đến từ những điều bình dị
Các doanh nghiệp và người dân địa phương cần định hình sản phẩm mang đậm bản sắc riêng và đáp ứng các tiêu chí xây dựng và quy chuẩn vận hành các mô hình du lịch cộng đồng.

Ngoài ra, việc xây dựng cơ sở vật chất và thiết kế cấu trúc nhà ở homestay nên dựa vào các vật liệu có sẵn tại địa phương và phản ánh rõ nét bản sắc văn hóa độc đáo và giá trị truyền thống cũng như đảm bảo không gian riêng tư trong các homestay. Người dân cũng có thể đa dạng hóa sinh kế thông qua những hoạt động trải nghiệm dựa trên những lợi thế về văn hóa và thiên nhiên của từng vùng miền như hoạt động biểu diễn văn hóa văn nghệ, chèo thuyền, hướng dẫn viên tại điểm, trồng rau, cho thuê xe máy/xe đạp,… Bên cạnh những dịch vụ du lịch được đa dạng hóa và tổ chức bài bản, chỉnh chu và đảm bảo chất lượng, thái độ đón tiếp khách niềm nở và phục vụ khách ân cần, chu đáo của người dân địa phương chắc chắn sẽ tạo ấn tượng khó phai đối với du khách. Hành trình khám phá các bản làng du lịch thông qua sự giao lưu và kết nối gần gũi với cộng đồng địa phương không chỉ giúp du khách thấu hiểu về nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời của họ mà còn thêm trân trọng những nét đẹp chân phương đến từ những điều nguyên sơ và bình dị.
 

fb share
copy link

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH



Tin tứcĐiểm đếnLưu trúẨm thựcHàng không & Công nghệ