Trải nghiệm du lịch cộng đồng 02: Gợi ý một vài điểm đến phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam

Trong bài viết trước, tác giả Sang Bùi đã giới thiệu về loại hình du lịch cộng đồng đến bạn đọc. Có thể nói, du lịch cộng đồng được xem như phương cách hữu hiệu để làm cho các giá trị tự nhiên và nhân văn tại điểm đến được lan tỏa sâu rộng. Tiếp tục bài viết số 2, tác giả sẽ giới thiệu cụ thể một vài điểm đến phát triển du lịch cộng đồng nổi bật tại Việt Nam.

Sang Bui
Sang Bui
fb share
copy link

Làng du lịch Tân Hóa (Quảng Bình) – Mô hình du lịch cộng đồng thích ứng với thời tiết

Quảng Bình từ lâu đã làm xao xuyến biết bao tâm hồn nhạy cảm và thử thách bước chân chinh phục thiên nhiên của người lữ khách bởi những cảnh quan thiên nhiên nên thơ và thế giới hang động kỳ vĩ. Góp phần tô điểm cho bức tranh du lịch Quảng Bình, Tân Hóa thuộc huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và văn hóa đặc sắc. Minh Hóa là một xã vùng núi – nơi hàng năm hứng chịu những trận lụt lớn làm ngập nhà cửa của người dân, do đó nơi đây còn được gọi là “vùng rốn lũ” của Quảng Bình. 

Ngoài cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, Tân Hóa còn được biết đến là “vùng rốn lũ” của Quảng Bình.
Ngoài cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, Tân Hóa còn được biết đến là “vùng rốn lũ” của Quảng Bình.

Mang trong mình vẻ đẹp tổng hòa của thiên nhiên kỳ thú và đời sống bình dị của cộng đồng địa phương, làng du lịch Tân Hóa là điểm đến đầy lý tưởng đối với du khách có mong muốn kết nối với thiên nhiên và con người bản địa. Trên cung đường khám phá Tân Hóa nằm sâu trong VQG Phong Nha – Kẻ Bảng, du khách chiêm ngưỡng bức tranh sơn thủy hữu tình với những dãy núi đá vôi trùng điệp đứng sừng sững trên những cánh đồng trải dài bát ngát. Đến làng du lịch Tân Hóa, du khách tá túc trong các homestay, thưởng thức bữa ăn tối tại nhà dân, tham gia cùng người dân làm nông, trải nghiệm đạp xe băng qua những bản làng và nương ngô, tìm hiểu các phong tục, tập quán của người dân tộc Nguồn, thám hiểm hang động Tú Làn cùng người dân địa phương. Điểm nhấn độc đáo trong các mô hình lưu trú homestay tại Tân Hóa là thiết kế theo chức năng “thích ứng với thời tiết” khi mỗi ngôi nhà được xây dựng bằng gỗ hoặc tôn và có hệ thống thùng phuy được gắn chặt bên dưới giúp cho ngôi nhà nổi lên trong mùa mưa lũ. 

Những căn homestay tại Tân Hóa được thiết kế theo chức năng “thích ứng với thời tiết”.
Những căn homestay tại Tân Hóa được thiết kế theo chức năng “thích ứng với thời tiết”.

Trước đây, đời sống của người dân Tân Hóa còn gặp nhiều khó khăn khi chỉ phụ thuộc vào các công việc sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc và khai thác tài nguyên thiên nhiên trong rừng. Giờ đây, vùng đất Tân Hóa đã trở thành điểm sáng trong bản đồ du lịch Quảng Bình nói riêng và Việt Nam nói chung nhờ sự hỗ trợ và tạo điều kiện từ các chính quyền và doanh nghiệp du lịch địa phương để người dân nơi đây tham gia vào hoạt động du lịch. Theo đó, người dân Tân Hóa, trong đó có cộng đồng người dân tộc Nguồn đã tham gia vào các hoạt động du lịch đa dạng như cung cấp dịch vụ lưu trú homestay, tham gia phục vụ trong tour khám phá hang động Tú Làn ở nhiều vị trí công việc khác nhau như khuân vác hành lý, đầu bếp, trợ lý an toàn, hướng dẫn viên tại điểm, bán quà lưu niệm và đặc sản địa phương,...

Tân Hóa đã được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) vinh danh là Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2023.
Tân Hóa đã được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) vinh danh là Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2023.

Việc phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, khám phá hang động, du lịch mạo hiểm gắn kết chặt chẽ với cộng đồng địa phương đã giúp người dân có thêm thu nhập, nâng cao vai trò và trách nhiệm bảo tồn thiên nhiên, gìn giữ và phát triển những giá trị văn hóa, bản sắc riêng của người dân Tân Hóa. Với những nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị, sản phẩm và lối sống dựa vào cộng đồng và cam kết phát triển du lịch bền vững, làng du lịch Tân Hóa đã được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) vinh danh là Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2023. 

Làng du lịch Mai Hịch (Hòa Bình) – Nơi lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc Thái

Mai Hịch là một ngôi làng nhỏ nằm ở vùng núi Tây Bắc thuộc huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình và là quê hương của cộng đồng dân tộc Thái trắng. Huyện Mai Châu được xếp vào loại huyện nông thôn hẻo lánh - nơi đại đa số người dân sống dựa vào nguồn thu nhập thấp và bấp bên từ hoạt động làm nông. Điều thú vị là Mai Hịch chỉ cách bản Lác, làng du lịch cộng đồng tại Mai Châu khoảng 5 km. Giống như nhiều ngôi làng khác trong khu vực, Mai Hịch trở thành điểm đến du lịch cộng đồng hấp dẫn nhờ vào cảnh quan tuyệt đẹp và văn hóa bản địa độc đáo, từ đó mang đến cơ hội để người dân tộc nơi đây phát triển du lịch như một cách xóa đói giảm nghèo. 

Mai Hịch trở thành điểm đến du lịch cộng đồng hấp dẫn nhờ vào cảnh quan tuyệt đẹp và văn hóa bản địa độc đáo.
Mai Hịch trở thành điểm đến du lịch cộng đồng hấp dẫn nhờ vào cảnh quan tuyệt đẹp và văn hóa bản địa độc đáo.

Làng du lịch Mai Hịch mang đến cơ hội tuyệt vời để du khách trở thành một người bản địa thực sự. Lưu trú tại homestay được xây dựng theo nếp nhà sàn truyền thống giúp du khách kết nối trực tiếp với những bản sắc văn hóa tộc người Thái. Du khách cũng cảm thấy ấn tượng đặc biệt về bản làng qua những trải nghiệm ẩm thực địa phương với các đặc sản như thịt trâu gác bếp, cơm lam, thịt gà đồi, cá suối, thịt lợn mán,… được chế biến và kết tinh từ các nguyên liệu mang đậm phong vị của núi rừng Tây Bắc và đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Thái; thưởng thức các buổi trình diễn văn hóa văn nghệ với các điệu múa sạp, múa xoè bên chiếu rượu cần vào buổi tối. Hoạt động khám phá thiên nhiên và đời sống lao động tại bản làng Mai Hịch cũng là lựa chọn thú vị mà du khách không nên bỏ lỡ như hoạt động làm nông dân trồng trọt chăn nuôi cùng người dân, tản bộ qua những con suối chảy róc rách, lượn lờ trên chiếc xe đạp nhìn ngắm những đồng lúa, nương ngô trải dài tít tắp, trải nghiệm chèo thuyền bè mảng, lội suối bắt cá,… 

Du khách cũng cảm thấy ấn tượng đặc biệt về bản làng qua những trải nghiệm ẩm thực địa phương với các đặc sản như thịt trâu gác bếp, cơm lam, thịt gà đồi, cá suối, thịt lợn mán.
Du khách cũng cảm thấy ấn tượng đặc biệt về bản làng qua những trải nghiệm ẩm thực địa phương với các đặc sản như thịt trâu gác bếp, cơm lam, thịt gà đồi, cá suối, thịt lợn mán.

Những trải nghiệm đa dạng có sự lồng ghép giữa cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và bản sắc văn hóa truyền thống chất chứa nét đẹp làng quê đã biến Mai Hịch từ một ngôi làng nhỏ ít người biết đến trở thành một điểm đến lý tưởng và thú vị thu hút du khách trong và ngoài nước đến khám phá. Với việc phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng phát huy văn hóa, truyền thống địa phương, góp phần bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao chất lượng trải nghiệm của du khách thông qua sự tương tác có ý nghĩa giữa chủ nhà và du khách,... Mai Hịch đã được ASEAN bình chọn là làng văn hoá cộng đồng tốt nhất giai đoạn 2017 - 2019.

fb share
copy link

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH



Tin tứcĐiểm đếnLưu trúẨm thựcHàng không & Công nghệ